Anh lừa tôi, tôi lại lừa anh. Vì danh lợi mà người đời cứ lừa gạt lẫn nhau


Ngày xưa ở Bắc Ấn Độ có một mộc sư tay nghề cao minh, tạc tượng gỗ sống động y như vật thật. Ông tạc tượng thiếu nữ đẹp như tiên và còn cho mặc quần áo, người ta nhìn vào không thể biết đó là tượng gỗ. Tượng thiếu nữ bằng gỗ này còn có thể rót rượu mời khách.

Ở Nam Ấn Độ có một họa sư, ông họa ra các bức họa sinh động giống như vật thật, mới nhìn vào không ai biết đó là vật vẽ. Mộc sư nghe danh tiếng họa sư bèn sắm sửa lễ vật mời họa sư đến nhà chơi.

Họa sư nhận lời đến nhà, mộc sư sai thiếu nữ người gỗ ra châm rượu mời khách. Từ sáng đến tối, họa sư không nhìn ra đấy là người gỗ, chỉ thấy cô nàng đẹp như tiên sa, trong lòng cảm thấy rung động.

Tối đến, mộc sư nói với họa sư:

– Anh hãy nghỉ lại nhà tôi. Tôi sẽ bảo cô gái này hầu hạ anh đêm nay .

Họa sư mừng quá, cảm ơn rối rít. Tối đến, họa sư vào giường, tắt đèn, gọi cô gái lên giường ngủ. Nhưng cô gái vẫn đứng yên một chỗ như khúc gỗ.

Họa sư tưởng cô nàng thẹn nên bước xuống nắm tay kéo di, đến lúc ấy mới phát hiện cô nàng là một bức tượng gỗ. Họa sư cảm thấy hổ thẹn vô cùng, ông nghĩ: “Chủ nhà chơi khăm ta, ta cũng chơi khăm lại mới thỏa lòng”.

Họa sư bèn lấy bút màu ra vẽ hình mình đang treo cổ tự vẫn ở trên tường, ông vẽ cả dây thừng, xong ông chui xuống gầm giường chờ đợi.

Sáng sớm, mộc sư đến gõ cửa, trong phòng không có tiếng trả lời, mộc sư đẩy cửa bước vào, phát hiện họa sư treo cổ tự vẫn, ông hoảng quá hét to lên, chạy lại kéo sợi dây xuống. Tay ông không nắm được sợi dây mà chỉ đập vào bức tường đau điếng, khi ấy ông mới biết đó là hình vẽ, cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

Họa sư từ gầm giường chui ra, cười nói:

– Anh lừa tôi, tôi lại lừa anh. Người trên thế gian này lừa gạt lẫn nhau chắc cũng như thế.

Mộc sư nói:

– Đúng vậy, cuộc đời này có mấy người chân thật?

Vì danh lợi mà họ cứ lừa gạt lẫn nhau. Hai người than thở với nhau về sự giả dối của cuộc đời một lúc rồi cùng quyết định bỏ gia đình xuất gia tu hành.

Trích “Tạp Thí Dụ Kinh”

Lời bàn:
Mộc sư muốn khoe tài với họa sư mới mời họa sư đến làm khách, lừa gạt họa sư để chứng tỏ tay nghề của mình cao siêu. Họa sư lòng dục thôi thúc nên đã bị lừa. Tất cả đều chấp vào một chữ “có”: có danh sắc, có tài năng, có cái ta… nên lừa gạt lẫn nhau. Nhưng may mắn là họ đã phá bỏ ngã chấp, xuất gia tu đạo.

Câu chuyện cũng đề cập đến việc không nên lừa gạt người vì lừa gạt chỉ được một thời gian, cuối cùng chân tướng sẽ lộ ra, sự giả dối sẽ bị vạch trần.