BIẾT NHƯ KHÔNG BIẾT LÀM NHƯ KHÔNG LÀM


Cách đây không lâu, trên mạng xôn xao về bài toán “tính tuổi thuyền trưởng” dành cho học sinh lớp Hai với nội dung như sau: “Trên tàu thủy có 45 con cừu, 5 con rớt xuống biển. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”. Ở ta hiện nay có nhiều điều bất như ý trong giáo dục-đào tạo; cho nên,nhiều người nghĩ bài toán vừa kể có sai sót giống như saI sót của một số đề thi môn toán đã xảy ra (như đề thi môn toán hệ số 2 thi vào Trường PTTH chuyên Trần Hưng Đạo Bình Thuận). Chỉ có khác là sai sót trong “tính tuổi thuyền trưởng”đầu chẳng gắn với đuôi, đọc thật khôi hài. Sau đó, cũng trên mạng, có thông tin bài toán “tính tuổi thuyền trưởng” là tác phẩm của một nhà giáo ưu tú của Việt Nam ta. Sau đó nữa là phát hiện nguồn gốc bài toán là của người phương Tây. Người phương Tây đây là nhà văn người Pháp nổi tiếng Gustave Flaubert, ông đã gửi cho cô em gái Caroline vào năm 1941 một lá thư với bài toán đố như sau“Bởi vì em đang học hình học và lượng giác, anh sẽ đố em một câu như sau. Có một chiếc tàu đang lênh đênh trên đại dương. Con tàu chở bông này xuất phát từ cảng Boston. Số hàng hóa có tổng trọng lượng là 200 tấn. Con tàu dự kiến sẽ cập cảng Le Havre. Cột buồm chính bị gẫy và cậu bé phục vụ cabin thuyền trưởng đang ở trên boong. Có 12 hành khách trên tàu, gió đang thổi theo hướng Đông - Bắc - Đông, đồng hồ

chỉ 3 giờ 15 phút buổi chiều. Bây giờ là tháng Năm. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”. Thông tin trên mạng cũng cho biết, trải qua năm tháng, phiên bản của bài toán đố của nhà văn G. Flaubert được nhà giáo và nhà nghiên cứu Pháp Stella Baruk rút gọn và công bố năm 1985 với nội dung như sau: “Trên một chiếc thuyền có 26 con cừu và 10 con dê. Hỏi thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?”.Bài toán “tính tuổi thuyền trưởng” được đưa ra và yêu cầu 97 học sinh lớp Hai và lớp Ba giải để xem cách huy động kiến thức toán của học sinh tiểu học Pháp lúc đó như thế nào (theo báo Tuổi Trẻ ngày 18-7-2014). Suy nghĩ của người lớn chúng ta thường là hợp luận lý. Tức trước một bài toán đố, người lớn thường nghĩ “bạn chỉ có thể tìm ra những kết quả đúng từ các phép tính nếu như các con số bạn nhập vào hay được đưa đến phải có liên quan đúng cách”. Đối với bài toán “tính tuổi thuyền trưởng”, người lớn nghĩ ngay là bài toán vô lý không có câu trả lời. Nhưng với trẻ con thì khác, với đầu óc chưa được nhồi nhét quá nhiều kiến thức, dễ dàng cởi mở bù cho sự thiếu kiến thức, trẻ con có thể sáng tạo ra cách trả lời cho câu hỏi hóc búa, phức tạp tưởng như không có lời giải. Hoặc thay vì có lời giải hồn nhiên, sáng tạo xuất phát từ đầu óc “rỗng không”, trẻ con lại đưa ra những đáp số từ trí não bị quy định của chúng. Theo kết quả thử nghiệm đầu tiên bài toán “tính tuổi thuyền trưởng”ở Pháp, 76 trong số 97 học sinh đã tính tuổi của thuyền trưởng bằng cách cộng hai số đã cho trong đề tài (26+10=36). Phân tích từ thử nghiệm cho thấy trẻ đã cho đáp số như vậy, vì trẻ con đã bị quy định bởi một thỏa thuận ngầm giữa thầy cô giáo và học sinh tiểu học Pháp. Thỏa thuận ngầm đã hình thành suốt thời gian trẻ được dạy. Đó là trẻ bị quy định nghĩ rằng bất cứ bài toán nào do thầy cô đưa ra là không sai, ít nhất có một lời giải. Nhiệm vụ của học sinh là giải bài toán theo cách nào đó chấp nhận được. Như bài toán “tính tuổi thuyền trưởng” có lời giải là sử dụng con số có trong đề bài và phối hợp chúng với nhau theo cách có thể chấp nhận được Bài toán “tính tuổi thuyền trưởng” xem có vẻ sai sót nhưng sự ra đời của nó là dịp để toàn xã hội nhìn lại cách dạy và học môn toán ở phổ thông. Dạy và học như thế nào đó các em có thói quen xem một đề toán luôn là đúng mà không thấy hoặc không dám thấy đề đó là sai. Nhìn rộng ra là cần cải tổ giáo dục như thế nào để con người được giáo dục vừa biết chấp nhận những điều là sự thật, chân lý vừa có tư duy phản biện, không chấp nhận những sai lầm, hư ảo. Do cuộc sống muôn màu muôn vẻ, luôn chuyển hóa biến đổi không ngừng, con người được giáo dục còn phải được trang bị những nhận thức khám phá và chấp nhận sự thật, chân lý còn ẩn tàng khó thấy được, cũng như phát hiện và không chấp nhận những sai lầm, hư ảo được che giấu ngụy trang khéo léo. Từ việc đọc bài toán “tính tuổi thuyền trưởng”, tôi chợt nghĩ đến kinh Kim Cang mà mình đã đọc và nghiền ngẫm bấy lâu nay. Thú thật tôi chỉ có điều kiện đọc kinh Kim Cang từ tập sách “Kim Cang, gươm báu chặt đứt phiền não” của thầy Thích Nhất Hạnh. Lần đầu tiếp xúc, tôi đã sững sờ khi đọc những câu từ Kim Cang, đại ý:“Các bậc Bồ-tát hàng phục tâm của họ bằng cách giúp đưa chúng sinh vào Niết-bàn tuyệt đối để được giải thoát. Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sinh như thế mà kỳ thực ta không thấy chúng sinh nào được giải thoát”, “Cái mà Như Lai gọi là thân tướng, vốn khôngphải thân tướng”,Phước đức trong tự thân chẳng phải là phước đức nên Như Lai mới nói là phước đức nhiều”, “Cá mà Như Lai gọi là Bát-nhã Ba-la-mật vốn là không phải Bát-nhã Ba-la-mật cho nên mới thật sự là Bát-nhã Ba-la- mật”, “Cái mà ta gọi là tất cả các pháp thật ra không phải là tất cả các pháp cho nên mới gọi là tất cả các pháp”…Còn nhiều câu nữa theo kiểu“cái là A không phải là A cho nên mới là A”, xuất hiện đều đều trongKim Cang.Đọc lần đầu những câu như thế, tôi đã sững sờ vì thấy chúng quá lạ. Nhưng do đã làm quen với triết lý Phật giáo từ lâu rồi nên tôi không kêu ầm lên: “Điên rồi, điên hết rồi!” như người phương Tây lần đầu tiên tiếp xúc với bản dịch Kim Cang Bát Nhã của Edward Conze dịch sang tiếng Anh cách đây hơn 60 năm. Tôi chỉ tò mò và tìmcách tìm hiểu tại sao “cái là A không phải là A cho nên mới là A”. Sự tò mò này cũng giống như sự tò mò sau này nảy sinh khi tôi đọc bài toán “tính tuổi thuyền trưởng”.Nó thôi thúc tôi tìm hiểu tại sao có sự vô lý như thế trong cách ra đề toán. Mục tiêu ra đề toán thật khác thường thật ra nhằm mục tiêu là ở Pháp người ta muốn xem cách huy động kiến thức toán của học sinh tiểu học như thế nào, còn ở ta thì theo một số nhà giáo, nhằm tạo cho học sinh tính độc lập trong suy nghĩ và sự mạnh dạn đưa ra ý kiến cá nhân “toán như thế không có đáp án”,”không giải được vì đề toán sai”. Còn mục tiêu của việc dùng câu nói theo kiểu “cái là A không phải là A cho nên mới là A”trong kinh Kim Cang thì cần hiểu ra sao? Trong kinh Kim Cang , Đức Phật đã trả lời Trưởng lão Tu-bồ-đề bằng những câu là “bộ ba nghịch lý”. Những câu đó sau hơn hai ngàn năm, người phương Tây quen lý luận thuận lý đọc được đã phải thốt lên “Điên rồi!” thật ra nhằm chỉ xóa tan sự mê muội của con người. Khi mê muội tan đi, con người sẽ tỏ ngộ sự thật. Cuộc sống thường tình cho thấy, nhiều khi người ta ngủ mê phải có cái lay thật mạnh mới làm cho người ta tỉnh thức. Cái lay của giáo huấn từ Đức Phật mạnh hơn rất nhiều. Có người ví phương pháp nghịch lý trong lời dạy của Đức Phật không khác gì quả bom với chất nổ cực mạnh làm nổ tung, phá sạch sự kiến chấp của con người: chấp ngã và chấp pháp. Có người ví phương pháp nghịch lý trong lời dạy của Đức Phật tựa như thanh gươm với lưỡi thật bén chặt đứt mọi phiền não giúp con người tự do để thấy được thực chất của mọi sự vật hiện tượng, Có người ví bộ ba nghịch lý từ lời dạy của Đức Phật khi đọc thì bên tai như vang vọng tiếng sét lớn làm chợt tỉnh người, tỏ nhận những điều là sự thật bấy lâu còn che kín. Trước khi đọc Kim Cang, tôi đã đọc để biết nguyên lý duyên khởi, lẽ vô thường và tính vô ngã nhưng khi đó,sự thâm nhập chỉ là khái niệm, chữ nghĩa, sự vận hành của tư tưởng. Cho đến khi tôi đọc được những câu là“bộ ba nghịch lý”của Đức Phật thì mới thấu hiểu, không chỉ hiểu trên từ ngữ mà hiểu sâu sắc những nguyên lý tạo nên thế giới quan Phật giáo. “Cái là A không phải làA cho nên mới là A” là cách thể hiện rốt ráo sự thật bởi vì mọi sự vật hiện tượng đều do nhân duyên sinh hay lý duyên khởi tạo thành đó thôi. Trên thế giới này ta không bao giờ tìm được một sự vật hiện tượng nào tồn tại độc lập hoàn toàn gọi là A mà không liên hệ chằng chịt, trùng trùng với những cái không phải là A. Tôi thấu hiểu, người thừa nhận “cái là A không phải là A cho nên mới là A”là người thấu hiểu sống trên đời, để tránh phiền não, lợi mình và lợi người là phải “phá chấp”. Phá chấp trước hết là phá chấp ngã. Trên con đường phát triển ở thế giới Ta-bà này, con người luôn luôn hiện hữu với “cái tôi” xấu xí. Thoát thai từ một động vật, con người dính liền với bản năng luôn phóng chiếu của đủ loại dục vọng. Con người luôn tìm cách thỏa mãn các loại dục vọng đó mà bất kể lợi ích của tha nhân. Từ đó con người sinh ra tham lam, đố kỵ, tị hiềm… trong quan hệ với nhau. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người gây ra biết bao tàn nhẫn, khổ đau cho mình và cho người xuất phát từ “cái tôi” luôn muốn được bành trướng phóng hiện, cái “bản ngã”chứa quá nhiều dục vọng. Phá chấp ngã chính là giải thoát khỏi “cái tôi”xấu xí đó. Ngoài phá chấp ngã, phá chấp còn là phá chấp pháp. Tức phá vỡ thành kiến,tư duy lệch lạc để không còn đắm chìm trong những cái “tưởng” sai quấy, để thấy thực tướng của mọi sự vật hiện tượng.Thấu hiểu “bộ ba nghịch lý”ta sẽ có cái nhìn Bát-nhã của Kim Cang để “biết như không biết” đối với muôn sự và “làm như không làm” đối với mọi việc trên thế gian này. Từ lâu tôi hay nguyện:“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn Pháp môn vô lượng thệ nguyện học Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.Từ khi thấu hiểu Kim Cang, tôi xin nguyện:“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ như không độ Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn như không đoạn Pháp môn vô lượng thệ nguyện học như không học Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành như không thành”

NGUYỄN HỮU ĐỨC