Đạo Phật - lẽ sống thường nhiên



Ðạo Phật không chấp nhận sự hiện hữu của đấng sáng tạo thần linh ở bất cứ dạng thức nào dù có hay không quyền ban phúc hoặc giáng họa đối với các hành vi thiện ác của con người. Trong “Thái độ tâm linh của đạo Phật” của HT.Thích Minh Châu - Viện trưởng Viện Ðại học Vạn Hạnh đã xác quyết : “Ðạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa “tôn giáo” hiểu theo truyền thống Tây phương hay Ðông phương. Nói đến tôn giáo là nói đến “tín ngưỡng” “giáo hội” “giáo quyền” “thần quyền”... Ðạo Phật gồm có đủ những điều vừa kể trên, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần lưu tâm: Những điều vừa kể không làm đạo Phật trở thành đạo Phật. Mà chỉ là những hình thức tất yếu xuất phát từ sự thoái hóa tinh thần của những người tự nhận là theo đạo Phật. Ðạo Phật không phải là một “tôn giáo” mà cũng không phải là “triết học” hay “triết lý”. Tư tưởng triết lý của ðạo Phật là hậu quả tất yếu của sự sinh thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật”.

Vậy thì đạo Phật là gì? Ðạo Phật là một lẽ sống, một lẽ sống thường nhiên của con người, không một chút nguyên tắc, pháp luật, tín điều, luân lý, tín ngưỡng gì cả. Không một chút cố gắng nào cả. Vì đạo Phật là một lối sống giải thoát, mở mắt con người để con người tự giải thoát bản thân. Chư Phật, chư Tổ và những kinh điển để lại đều là những ngón tay chỉ đường, những bảng hướng dẫn đường lối đi cho chúng ta đi tới. Chúng ta đi hay không, giải thoát hay không là do ở chúng ta chứ không phải do ngón tay hay bảng chỉ đường kia. Nếu chúng ta cần giải thoát, vì chúng ta biết đang bị trói buộc, thì chúng ta tự nguyện đi trên con đường đó, tự nhiên không ai bắt buộc. Khi chúng ta đi trên cuộc đời không trói buộc như vậy thì cái gì gọi là tôn giáo?

Vì thế, khi thấy đúng, chúng ta đã tự tước bỏ con người ra khỏi những huyền tưởng, ảo tưởng, phá hủy mọi chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng... trả con người trở về với sự tôn nghiêm trọn vẹn. Đó là một lối sống giải thoát thật sự của con người không tôn giáo. Ðạo Phật đủ khả năng hướng giải thoát cho con người đến đỉnh cao Chân - Thiện - Mỹ chứ không phải bắt buộc con người như ý nghĩa của một tôn giáo.

Ngày nay, giáo lý của Phật giáo bị dán quá nhiều nhãn hiệu để gọi nó là tôn giáo, triết học, luân lý học v.v... Thế nhưng, dù dán bất cứ nhãn hiệu nào đi nữa thì những nhãn hiệu ấy không có ý nghĩa gì đối với con người đi tìm chân lý giác ngộ, giải thoát. Vì tất cả các pháp của Phật giáo đều là những lối sống thực được thoát thai từ đời sống tâm linh, không bị ảnh hưởng bởi nhãn hiệu bên ngoài.
 
Bài viết: "Đạo Phật - lẽ sống thường nhiên"
Đức Phước/ Vườn hoa Phật giáo