Dư âm mùa Hiếu


Chữ hiếu luôn được tôn vinh, trở thành một trong những giá trị đạo đức của nền văn hóa Á Đông. Tuy nhiên tùy theo mỗi thời kỳ, mỗi đối tượng mà có cách thể hiện khác nhau. Ngày xưa người con có hiếu phải “sớm thăm tối viếng” thì ngày nay, với nhiều áp lực công việc của cuộc sống mưu sinh bộn bề, nhiều người con không thể gần gũi cha mẹ như trước nhưng vẫn có thể dùng điện thoại hay email để thể hiện sự quan tâm của mình đối với các đấng sanh thành.

mua-hieu
Mùa Hiếu - Ảnh: Như Danh

Về cung cách ứng xử với cha mẹ cũng khác nhau, người nông dân đương nhiên không giống thương nhân, hành động được cho là hiếu thảo của người xuất gia ắt hẳn khác với người thế tục,... Tuy vậy tinh thần hiếu thảo chưa bao giờ mai một trong lòng mỗi người làm con. Bằng chứng là ở Việt Nam chúng ta vẫn xem đạo hiếu như một giá trị đạo đức cần được tôn vinh, qua những hoạt động như ra sách ca ngợi gương hiếu hạnh, những buổi lễ vinh danh người con chí hiếu thời hiện đại, những cuộc thi sáng tác có chủ đề cha mẹ hay lòng hiếu thảo,...

Đôi khi chúng ta bắt gặp những bài báo, những hình ảnh ngược đãi cha mẹ, cảm giác như các giá trị đạo đức bị xuống cấp, ý thức người con ngày một xấu đi. Tôi thì không nghĩ như vậy. Thời nào cũng có những tấm lòng hiếu thảo bên cạnh số rất ít những đứa con không biết nghĩ đến ơn đức sanh thành. Nhưng vì thời đại ngày nay thông tin nhanh nhạy, nên những tin “giật gân” được truyền đi nhanh chóng và lan rộng trong cộng đồng. Một khi những thông tin đó còn bị lên án, còn được xem là “sốc” và lan truyền thì chúng ta hãy an tâm rằng chữ hiếu vẫn còn được tôn trọng, ông bà cha mẹ vẫn là những bậc đáng kính yêu.

Tuy thế, việc duy trì và phát triển hệ giá trị đạo đức truyền thống này luôn cần được quan tâm. Chúng ta có thể thông qua giáo dục, bằng sách vở trong nhà trường, bằng hành động trong gia đình, bằng hoạt động trong xã hội để giá trị đạo đức tốt đẹp này được truyền thừa qua nhiều thế hệ, để chữ hiếu được cụ thể hóa bằng những hành động tốt đẹp, góp phần xây dựng nhân cách cá nhân, ổn định gia đình và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của cộng đồng xã hội.

 

 

Thời nào, người con có hiếu cũng được xã hội tôn trọng, yêu mến. Vì vậy, chữ hiếu thời hiện đại hay thời xưa đều là giá trị mà thiết nghĩ con người nên gìn giữ, bởi chính lòng hiếu thảo (phụng dưỡng ông bà cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ biết đường hướng tu tập để có hạnh phúc, an vui, giải thoát) không phải là làm cho ba mẹ mình mà ngay lúc đó cũng là làm cho mình.

Chúng ta gieo hạt lành cho đời sống của bản thân chính ở ngay chỗ hiếu thuận và từ đó có một cuộc đời ý nghĩa.

Chắc chắn, ai rồi cũng già, nếu không đi tu theo đại nguyện thì đời sống gia đình ắt phải có, để rồi con cái mình được sinh ra, tấm gương của ba mẹ chính là bài học sống động về đạo lý, từ đó các con sẽ tiếp nối và có ứng xử hiếu thuận với mình.

Cuộc sống là sự tiếp nối, nghĩ như thế chúng ta sẽ sống có trách nhiệm hơn!