Giữ đức khiêm hạ


 

Kinh Dịch nói: “Đạo của trời thường bớt những chỗ dư thừa mà bù đắp chỗ khuyết thiếu; đạo của đất thường làm thay đổi chỗ tràn đầy mà giữ nguyên chỗ khuyết thiếu; quỷ thần thường gây hại nơi sung mãn mà ban phúc nơi khiêm hạ; lòng người thường ghét kẻ cao ngạo mà yêu thích kẻ khiêm hạ.”

Trời đất, quỷ thần với con người đều chuộng đức khiêm hạ, vì thế nên trong kinh Dịch chỉ riêng một quẻ Khiêm là cả 6 hào đều tốt lành.

Kinh Thư nói: “Sung mãn thường chuốc lấy tổn hại, khiêm hạ được nhận lãnh ích lợi.”

Tôi đã nhiều lần cùng những người khác đi thi, mỗi khi gặp kẻ học trò nghèo sắp đỗ đạt đều thấy có dáng vẻ khiêm hạ lộ rõ ra bên ngoài.

Vào năm Tân Mùi, trong số cử nhân về kinh đô dự thi thì nhóm đồng hương Gia Thiện chúng tôi có 10 người. Đinh Kính Vũ là người nhỏ tuổi nhất, tính tình hết sức khiêm hạ. Tôi có nói với Phí Cẩm Pha: “Anh này năm nay ắt sẽ thi đỗ.”

Họ Phí hỏi lại: “Làm sao biết được?

Tôi đáp: “Chỉ người khiêm hạ mới được nhận lãnh phước báo. Anh xem trong số chúng ta có ai thật thà chất phác, nhường nhịn không tranh giành như Kính Vũ chăng? Có ai giữ lòng cung kính vâng chiều, hết lòng khiêm hạ như Kính Vũ chăng? Có ai bị người hà hiếp không cần đáp trả, bị người chê bai không cần biện giải như Kính Vũ chăng? Người được như thế ắt trời đất quỷ thần thường trợ giúp, sao có thể không vươn lên được?

Đến khi yết bảng, quả nhiên Kính Vũ trúng tuyển. Vào năm Đinh Sửu tôi về kinh đô, cùng ngụ một chỗ với Phùng Khai Chi, nhận thấy ông này tính tình khiêm hạ, dung mạo nghiêm trang, phần lớn là do đã rèn luyện quen từ thuở nhỏ. Khi ấy có Lý Tễ Nham là người bạn tốt, tính tình thẳng thắn, thường nhiều lần công khai phê phán chỉ trích những điều sai lầm của Khai Chi, chỉ thấy anh ta bình tĩnh lắng nghe và nhận chịu, chưa từng có một lời phản đối.

Khi ấy tôi có nói với Khai Chi rằng: “Phước báo đều có căn nguyên, tai họa cũng có nguồn gốc từ trước. Tâm mình thực sự khiêm hạ ắt trời sẽ giúp. Năm nay nhất định anh sẽ thi đỗ.” Quả nhiên đúng như vậy.

Ông Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, là người huyện Quan thuộc tỉnh Sơn Đông, tuổi còn trẻ đã thi đỗ cử nhân ở kỳ thi Hương, nhưng rất lâu sau thi Hội nhiều lần chẳng đỗ. Cha ông được bổ làm quan Chủ Bạ ở huyện Gia Thiện, ông theo cha đi nhậm chức. Vì ngưỡng mộ văn tài của Tiền Minh Ngô nên ông mang bài văn của mình đến cho họ Tiền xem. Tiền Minh Ngô xem qua rồi liền sổ toẹt hết cả bài. Triệu Dụ Phong chẳng những không giận mà còn hết lòng khâm phục, nhanh chóng tự sửa đổi. Năm sau ông liền thi đỗ.

Vào năm Nhâm Thìn, ta đến kinh thành triều kiến, nhân lúc đó được gặp Hạ Kiến Sở. Ta thấy ông này thần khí khoan thư không tự mãn, tâm ý khiêm hạ, vẻ nhún nhường lộ rõ ai cũng thấy. Lúc về, ta có nói với bạn bè rằng: “Thông thường khi trời sắp giúp một người nào hưng khởi thì khi chưa ban phúc đã trước hết làm cho người ấy phát khởi trí tuệ. Một khi trí tuệ phát khởi thì người hư huyễn bỡn cợt sẽ trở nên chân thành tín thật, người phóng túng buông lung sẽ tự biết kiềm chế, thu liễm. Ông Kiến Sở hòa nhã hiền lành như thế, ấy là đã được trời khai mở trí tuệ rồi, ắt nay mai sẽ được ban phúc.

Đến khi yết bảng, Hạ Kiến Sở quả nhiên thi đỗ. Trương Úy Nham người huyện Giang Âm, học nhiều biết rộng, có danh trong giới văn chương. Vào năm Giáp Ngọ, ông về Nam Kinh thi Hương, ở trọ trong một ngôi chùa. Đến khi niêm yết kết quả thi không thấy tên mình trúng tuyển, ông hết lời chửi mắng quan chủ khảo, cho là có mắt không tròng. Bấy giờ có một đạo sĩ đứng gần đó bật cười. Họ Trương lập tức quay sang nổi cơn thịnh nộ với đạo sĩ.

Đạo sĩ nói: “Văn của ông chắc chắn là không hay rồi.

Họ Trương càng sôi giận hơn, quát nạt: “Ông chưa từng đọc văn của tôi, sao biết là không hay?”

 

Đạo sĩ nói: “Tôi nghe rằng, người làm văn quý nhất ở chỗ tâm ý khí chất ôn hòa bình thản, nay nghe ông chửi mắng, tâm ý khí chất không có chút ôn hòa bình thản gì cả thì văn làm sao có thể hay?

Họ Trương nghe như thế hốt nhiên khâm phục, liền thi lễ xin được chỉ dạy. Đạo sĩ nói: “Việc thi đỗ hay không đều do số mạng. Số mạng của mình không đáng đỗ đạt thì dù văn hay cũng chẳng ích gì. Nên tự thay đổi chính mình mới được.

Họ Trương hỏi: “Đã do số mạng định sẵn thì làm sao thay đổi?

Đạo sĩ nói: “Tạo ra số mạng là trời, mà an lập số mạng là chính mình. Nỗ lực làm thiện, rộng tích âm đức thì có phước đức nào mà không cầu được?

Họ Trương nói: “Tôi chỉ là anh học trò nghèo, làm sao làm việc thiện?

Đạo sĩ nói: “Việc làm thiện, tích âm đức đều từ nơi tâm mình mà ra. Thường giữ tâm hiền thiện thì được vô lượng công đức. Chẳng hạn như việc giữ tâm khiêm tốn nhún nhường nào có tốn kém tiền bạc gì, sao ông không biết tự xem lại mình, còn chửi mắng quan chủ khảo?

Trương Úy Nham từ đó theo lời dạy, cố tự sửa đổi, bỏ lòng kiêu mạn mà giữ đức khiêm hạ, tâm thiện ngày càng tăng trưởng, đức hạnh ngày một sâu dày. Năm Đinh Dậu, ông nằm mơ thấy đi đến một căn phòng trên cao, nhìn thấy một quyển sổ ghi chép tên người thi đỗ, trong đó có nhiều hàng bỏ trống, liền hỏi một người đứng bên cạnh rằng: “Bản danh sách chép tên người thi đỗ khoa này, sao lại thiếu nhiều tên như vậy?

Người ấy đáp: “Việc chọn người đỗ đạt, ở cõi âm cứ 3 năm lại một lần khảo xét so sánh, những người thường tích âm đức, không phạm lỗi lầm mới có tên trong đó. Những dòng bị trống đó đa phần đều là những người vốn ngày trước đáng được đỗ đạt, nhưng vì gần đây đức hạnh kém cỏi nên bị xóa đi.” Sau đó, người ấy lại chỉ vào một dòng còn trống trong sổ và nói: “Trong ba năm qua ông luôn biết giữ mình thận trọng, có thể được ghi tên vào đây, mong ông biết tự lo cho mình.

Khoa thi năm ấy quả nhiên Trương Úy Nham thi đỗ, xếp hạng thứ 105. Do những điều như trên mà biết được rằng, trên đầu ba thước nhất định có thần minh soi xét. Việc lành dữ, tốt xấu chắc chắn đều do chính mình, cần phải biết giữ lòng hiền thiện, kiểm soát mọi việc làm của mình, không một mảy may phạm vào những điều xấu ác, luôn khiêm hạ nhún nhường, khiến cho trời đất quỷ thần đều cảm động trợ giúp, như thế mới có được nền tảng để hưởng phước báu.

Người nào tính khí cao ngạo tự mãn ắt phải là kẻ thiển cận, ví như có được hưng khởi phát triển cũng không thể thọ hưởng lâu dài được. Người có chút tri thức hiểu biết ắt không ai chịu rơi vào chỗ độ lượng hẹp hòi, tự đánh mất đi phước báu như thế. Huống chi sự khiêm tốn là mở ra cơ hội học hỏi từ người khác, lại có thể nhận lấy noi theo việc làm thiện của người, không có giới hạn.

Người cầu công danh sự nghiệp lại càng không thể thiếu sự khiêm hạ. Lời xưa có câu: “Có chí hướng công danh, ắt được công danh; chí hướng sang giàu, ắt được sang giàu.” Người có chí hướng như cây có gốc rễ. Muốn lập chí công danh vững vàng phải luôn luôn giữ lòng khiêm hạ nhún nhường, vận dụng khéo léo vô số phương tiện mà làm việc thiện, tự nhiên sẽ cảm động thấu cả đất trời. Cho nên, phước đức đều do chính mình tự tạo.

Người đời nay muốn cầu thi cử đỗ đạt nhưng khởi đầu thường không có chí hướng chân thật, bất quá chỉ là sự hứng khởi trong nhất thời mà thôi. Lúc có hứng khởi thì mong cầu, lúc không còn hứng khởi ắt cũng thôi không mong cầu nữa. Mạnh tử nói với vua nước Tề: “Nhà vua hết sức yêu thích âm nhạc, nước Tề sắp thịnh vượng rồi.” Ta đối với con đường công danh khoa bảng cũng giống như vậy.