Hạnh phúc tùy cách nhìn


Tháng 7-2016, báo chí thông tin, trong Chỉ số hành tinh hạnh phúc năm 2016 do Tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố, Costa Rica xếp hạng 1 trong khi Việt Nam xếp thứ 5, cao nhất châu Á...

Tuy nhiên, trước đó, tháng 3-2016, trong danh sách Những quốc gia hạnh phúc nhất do Hệ thống giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Viện trái đất tại Đại học Columbia, Mỹ công bố, Việt Nam đứng thứ 96 trong tổng số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Và trước đó một năm, tháng 4-2015, bản báo cáo hạnh phúc của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc (SDSN) dựa trên các phân tích của giới chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, khoa học thần kinh, thống kê quốc gia và mô tả thước đo của hạnh phúc có thể được sử dụng một cách hiệu quả để đánh giá sự tiến bộ của một quốc gia thì Việt Nam xếp hạng 75.

Không bàn về tính chính xác của các vị trí được đưa ra qua những báo cáo kể trên, bài viết dưới đây, chúng tôi muốn nhìn hạnh phúc dưới lăng kính của con nhà Phật...


Thụy Sĩ dẫn đầu các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (theo SDSN công bố năm 2015)  - Ảnh: Reuters

Đức Phật thị hiện nơi cõi đời này là vì hạnh phúc của chúng sinh, vì muốn dắt dẫn chúng sinh tới bến bờ hạnh phúc, an lạc, chứ Ngài không bắt ai theo Ngài kiểu thần quyền, tin tưởng một cách mù quáng, thực tập một cách vô minh. Do vậy, khi chúng ta kế thế sự nghiệp đó cũng nên hướng dẫn người khác theo quan điểm ấy, không buộc người ta theo Phật mà là làm cho người ta hiểu ra sự thật của cuộc sống để có hạnh phúc thật sự.

Hạnh phúc chân thật đó là thứ hạnh phúc bền lâu từ cái thấy rõ thực tại cuộc sống, bản chất của dòng chảy cuộc sống chứ không phải là sự thỏa mãn. Người thế gian định nghĩa hạnh phúc là sự thỏa mãn nên họ cứ mải tìm cầu hết cái này tới cái khác để thỏa mãn và xem đó là đi tìm hạnh phúc.

Khi thực tập chánh niệm, hiểu hạnh phúc chính là con đường, không phải là đích đến, thiền sư dạy hãy dừng việc đi tìm kiếm hạnh phúc, vì mỗi ngày, mỗi thời khắc trôi qua hành giả đều có thể nhận diện được hạnh phúc có mặt. Không tìm cầu thì sẽ không bị dính mắc, không chạy theo cái mình ảo tưởng, cho là hạnh phúc, đặt ra đó là hạnh phúc thì khi đó mình sẽ thấy hạnh phúc thực sự.

Đối với người học Phật thì thấy khổ đau thực ra là cách gọi tên của con người vì sự cảm thọ những điều bất toại nguyện trong cuộc sống. Do vậy, có thể nói khổ đau là “kết quả” của sự bất toại nguyện - bất như ý. Cái chết, bệnh tật cũng là một sự bất như ý của chúng sinh trong ước muốn khỏe mạnh, sống lâu, sống hoài. Khi đó, việc con người có thể làm không phải là lấy bệnh tật hay sự chết ra khỏi sự sống, bởi điều đó là không thể, ngược lại càng dẫn tới sự khổ đau lớn hơn do cảm thọ “bất toại nguyện” được đè thêm lên.

Khi ấy, điều chúng ta có thể làm là chấp nhận. Chấp nhận một sự thật phải diễn ra trong tiến trình sống của mình thì chắc chắn ta sẽ bình an. Đó là một biểu hiện của hạnh phúc. Từ đó, có thể kiến tạo nhiều việc làm tốt đẹp hơn, để tăng trưởng “chỉ số hạnh phúc” của bản thân.

Làm thế nào để chấp nhận được những sự thật mà đối với nhiều người nó hoàn toàn không dễ chịu như cái chết, bệnh tật, thất bại?

Sự thật là không có một sự khổ đau tồn tại độc lập. Khổ đau được gọi tên ở từng người khác nhau, do vậy, nên mới có việc: đối với bạn điều này là khổ đau nhưng cũng với điều tương tự, người khác không cảm thấy đó là khổ đau, thậm chí còn cảm thấy hạnh phúc.

Khi đó, chúng ta có thể thấy rằng, cách nhìn, đường hướng và mong ước sống, lý tưởng... của mỗi người có sự chi phối, quy định cho cái thấy, cảm nhận về hạnh phúc, khổ đau. Một khi ta nhận ra được sự sống không có nghĩa là trong một đời ngắn ngủi mà là một dòng luân hồi sanh tử thì tự khắc sẽ không thấy cái chết là một điều gì đó ghê gớm. Khi đó, ta sẽ lo việc sống sao cho tốt, cống hiến được nhiều, sống sao cho có ý nghĩa hơn chứ không còn loay hoay với việc mình sẽ sống bao lâu và lo lắng với việc chết sẽ về đâu. “Về đâu” khi đó được trả lời bằng chính cách mà mình đang sống, đường hướng ta đang đi chứ không còn là mong muốn chủ quan và chỉ là mong muốn chủ quan của ta. Bởi, tất cả đều có nhân-duyên-quả cả.

Đối với những biểu hiện mà ta cho là khó chịu khác cũng như thế. Từ cái thấy như vậy, ta sẽ không còn bị kẹt vào bên này, bên kia của khổ đau, hạnh phúc và mình sẽ thay đổi cách sống, suy nghĩ, nhìn vào thực tại để mạnh mẽ và thực sự trở nên mạnh mẽ!

Khi con người mạnh mẽ có nghĩa là sẽ tăng sức chịu đựng? Đúng như thế. Để có thể chịu đựng được những điều khó khăn trong cuộc sống thì ta phải học cách chấp nhận những bất như ý vốn là điều tồn tại đương nhiên đối với mỗi người, đối với hoàn cảnh thực tế đang là. Đồng thời, buông bỏ bớt mong muốn, ước vọng sống trong cảm giác dễ chịu cũng như nhu cầu được thỏa mãn không ngừng gia tăng của mình.

Mình không cần đi tìm thì hạnh phúc và khổ đau vẫn đang có mặt ngay đó, trong mình. Xu hướng của con người là đổ lỗi cho hoàn cảnh, nên hễ gặp phải điều bất toại nguyện, mình không vượt qua được thì liền trao cho người khác mọi “tội lỗi”. Đó cũng là một sự trốn tránh trách nhiệm, một sự yếu đuối của bản thân khi đối mặt với những điều không như ý.

Thực ra, cơn giận có mặt trong mình, do mình vẫn còn tham, sân, si, nên ta bị chi phối, chịu sự tác động của những lời nói khó nghe, hành động khó chịu từ bên ngoài. Khi giận, ta vẫn thường nói là tại ai đó làm cho mình giận. Chính cái thấy này đã nuôi cơn giận trong mình lớn dần, đồng nghĩa với nuôi cảm thọ khổ đau trong mình cũng thêm lớn dần. Thay vì đổ lỗi như vậy, ta có thể gọi tên cơn giận trong mình, nhận biết cơn giận còn đó, chính nó mới là thủ phạm khiến mình mệt mỏi, bất an, đau khổ, từ đó quay về chăm sóc, giúp nó lắng dịu, chữa lành vết thương bên trong mình chứ không khuấy cho nó thêm trầm trọng.

Có thể nói, chấp nhận sự thật chính là bước đầu tiên để mình có thể chuyển hóa phiền não, khổ đau. Nguyên tắc đầu tiên của thực tập lời Phật dạy là ta có thể gian dối người khác nhưng không thể gian dối chính mình. Khi mình đang khổ đau mà mình không dám thừa nhận, rồi lấy kinh nghiệm của Đức Phật để áp đặt vào kinh nghiệm của mình, rằng “mình không được phép có điều đó” thì tình trạng sẽ trở nên nặng hơn.

Ngày nay, kinh tế, khoa học phát triển, giúp ích cho cuộc sống con người rất nhiều, nhưng sự phát triển của kinh tế, khoa học, công nghệ cũng đẩy con người vào chỗ yếu đuối, vì đã được thụ hưởng quá nhiều từ sự phát triển ấy. Sự thụ hưởng ngày càng tăng sẽ khiến cho con người càng lạc lõng trong vòng vây của những điều kiện quá đầy đủ.

Chắc ai cũng đã nghe câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”? Lúc con người chưa có gì thì dẫu một chút thôi cũng đủ thấy hạnh phúc lớn lao, còn ngược lại, khi đã có rồi thì có thêm nữa, niềm vui ấy chắc chắn không bằng.

Nói điều này để nghĩ tới việc giảm thiểu sự thụ hưởng vật chất, đầu tư cho tâm linh, để có cái nhìn sâu rộng vào mọi biểu hiện của cuộc sống, từ đó, giải quyết những vấn đề mà mình gặp phải một cách hợp tình hợp lý, không rơi vào tình trạng than vãn mà chẳng có một động thái tích cực nào để cải thiện.

Người trẻ dù bận rộn đến đâu cũng có thể thực tập hạnh phúc. Trước tiên, phải có cái thấy đúng đắn (chánh kiến) về hạnh phúc, khổ đau, để không ngộ nhận giá trị của cuộc sống. Theo đó, ta phải biết dành thời gian chăm lo đời sống tinh thần thay vì cứ mải chạy theo những mục đích thuộc về ngũ dục thế gian (danh, sắc, tài, ăn, ngủ). Biết dừng lại để học phương pháp sống chậm, sống có chánh niệm bằng sự thực tập thiền, cân bằng và kiến tạo niềm an lạc từ thực tại, ngay từ bây giờ.

Một khóa học thiền, chẳng hạn, bên cạnh thời gian cho công việc, giải trí này nọ, nhất thiết chúng ta phải dành thời gian để thay đổi mình từ sự thay đổi nhận thức về hạnh phúc, bình an, thay đổi hành động, lối sống... Bạn không thể vừa muốn đạt được nhiều thứ trong nhu cầu (tham đắm) lớn lao của bản thân và vừa muốn có sự an lạc trong tinh thần được. Ngay ý niệm đó thôi đã cho thấy bạn khổ đau rồi...

 

Lưu Đình Long