Hành trang cho việc xuất gia


GN - HỎI: Tôi là nam Phật tử, 27 tuổi, hiện đang có công việc và thu nhập ổn định. Từ lâu, tôi không yêu ai vì không muốn lập gia đình. Nay tôi đã quyết định xuất gia để phụng sự chúng sinh và hướng đến lý tưởng giác ngộ giải thoát. Trước thềm xuất gia, tôi có hai điều băn khoăn: Thứ nhất, tôi cần phải chuẩn bị những gì? Thứ hai, tôi ý thức được rằng bản năng tính dục của tôi khá mạnh. Khi xuất gia, trước trở ngại tính dục của bản thân làm thế nào để hóa giải?

(V.D, vd…0891@gmail.com)


Một lễ xuất gia tại Làng Mai - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn V.D thân mến!

Bạn đã quyết định xuất gia nên quan tâm đến khâu chuẩn bị hành trang là điều cần thiết. Bạn đã trưởng thành, dù chưa lập gia đình nhưng thiết nghĩ cũng nên thỉnh ý cha mẹ và những người thân để được cho phép. Sự đồng thuận và trợ duyên cả vật chất lẫn tinh thần của gia đình có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn tập sự xuất gia. Kế đến, bạn cần có đủ các loại giấy tờ tùy thân (CMND, khai sinh, hộ khẩu, bằng cấp) để làm thủ tục cư trú cùng với một số giấy tờ cần thiết liên quan đến quản lý tôn giáo (về sau bổn sư sẽ hướng dẫn).

Sau khi bạn được thầy (tế độ, bổn sư) nhận làm đệ tử, dĩ nhiên thầy và nhà chùa sẽ lo toàn bộ ăn, mặc, ở, chữa bệnh cũng như hướng dẫn các phép tắc trong thiền môn cùng phương cách tu học. Giai đoạn tập sự xuất gia (với người trưởng thành) kéo dài khoảng một đến hai năm, sau đó sẽ được xuống tóc, thọ giới Sa-di. Bạn đã có hảo tâm xuất gia, chỉ cần bạn quyết chí tu hành thì sẽ nhanh chóng thích nghi, hòa nhập với lối sống có phần khắc khổ, đạm bạc, tĩnh lặng, hướng nội, tịnh tu của nhà chùa.

Bạn quan tâm đến trở ngại về bản năng tính dục của tự thân, thiết nghĩ điều này rất chính đáng. Bản chất của đời sống xuất gia là thanh tịnh, nguyện tiết dục và hướng đến ly dục. Tiết dục là hạn chế, giảm thiểu tối đa các ham muốn ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ) bằng cách thiết lập đời sống thanh bần, giản dị, nói chung là muốn ít và biết đủ. Giữ gìn giới luật của người xuất gia có tác dụng hỗ trợ tích cực cho sự tiết dục này.

Kế đến bạn thực hành các pháp tu tập thiền định, phát huy chánh niệm an trú tâm vào đề mục Chánh pháp. Trong đời sống xuất gia, mọi việc đều được thực hành với chánh niệm. Từ lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền cho đến chấp tác, học hành nói chung đi đứng nằm ngồi đều phải chánh niệm. Thực hành thiền định (thiền chỉ) nhiếp tâm vào đề mục khiến cho sự định tâm ngày càng vững chãi thì ham muốn càng bị chế ngự.

Ly dục là vận dụng các phương pháp tu tập thiền tuệ mà Đức Phật đã chỉ dạy nhằm chuyển hóa và đoạn tận tâm tham-ái-dục như: Thiền quán thân bất tịnh nhằm hóa giải dục vọng; Thiền quán vô thường của thân, tâm và thế giới để buông bỏ tham đắm; Thiền quán vô ngã để đoạn tận ái nhiễm và vô minh.

Sự thực hành giới-định-tuệ nghiêm mật trong đời sống xuất gia sẽ khiến cho tâm tham-ái-dục ngày càng suy kiệt và bị triệt tiêu, thân tâm sẽ thanh tịnh. Quan trọng là bạn phải biết Pháp (học từ bổn sư, từ các bậc thầy, từ trường lớp và tự nghiên cứu) và nỗ lực, nhiệt tâm ứng dụng thực hành Pháp trong đời sống của mình.