Ký sự thăm chùa Ráng


Hội đủ duyên lành, chúng tôi về thăm Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ HĐCM GHPGVN. Từ Hà Nội, khoảng chừng 35km, quốc lộ 1A xuôi phương Nam, đến Phú Xuyên rẽ trái vào một con đường trải nhựa ven đê khoảng 10km nữa, Viên Minh tự, chùa Ráng hiện ra giữa cánh đồng, nằm giữa 2 làng Mai Xá và Quang Lãng.



Nơi đây, tận cùng phía Nam của Hà Nội, giáp 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên, người ta ví von tiếng chuông chùa này vang lên thì cả 3 tỉnh đều nghe thấy, đất đai đồng bãi mướt mát một màu xanh của lúa, của ngô. Ngoài kia, dòng sông Cái đang mùa nước về ăm ắp. Hai bên con đường bê tông lối dẫn ra chùa là ruộng lúa thì con gái xanh mướt mát. Cổng chùa ghi:
 
“Viên Minh quang cảnh
Đường quang thông đạt.”

Dẫn vào là hai hàng cau liên phòng đứng thẳng thớm. Bóng nắng sớm rung rinh trên nền sân gạch... khung cảnh thật thanh sạch như tấm lòng thanh cao của Tổ vậy.

Mỗi người một tay, chúng tôi sửa soạn dâng lễ lên nhà Tổ, lên Tam bảo vật phẩm cúng dường. Tổ từ liêu phòng, bước ra... Mới chỉ thấy ngài trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi gặp ngài lần đầu này làm cho chúng tôi trào dâng niềm xúc động và đặc biệt là thân thuộc và ấm áp lạ kỳ. Vẫn vậy, ngài đáng hao gầy, nhưng nhanh nhẹn, đôi mắt tinh anh tươi vui. Người xoa đầu một cháu bé trong đoàn, khen: “Cháu ngoan lắm!”, y như ông nội tôi hay xoa đầu tôi xưa kia khen mỗi lần cháu đến, dù tôi chả có thành tích gì nhiều! Tổ Ráng như người ông bảo đám con cháu ở xa về: “Các phật tử lễ Phật rồi vào uống nước!”. Khi chúng tôi làm lễ ở nhà Tổ và Tam bảo xong, đã thấy Tổ đang sửa soạn mang hoa quả ra để đãi, cử chỉ chu đáo như người ông mang quà ra cho các cháu vậy. Thật là hoan hỷ, mỗi người đều được Tổ trao phần quà, và cái... xoa đầu. - Xoa đầu là ban phước cho ư? - Không phải, phước phải tự làm mới có. Tổ, bậc đạo cao đức trọng xoa đầu như để ấn chứng cho thành tích tu tập của mỗi phật tử vậy.


Chùa Ráng, sơn môn Đa Bảo, mà Pháp sư Thích Nguyên Uẩn trụ trì lấy tên là Viên Minh Pháp hội đạo tràng, quy tụ hơn 100 tăng ni, tu tập trong 12 năm (1903 - 1915). Từ khi xuất gia, hầu như ngài trụ xứ ở đây. Ngài sinh năm 1916, như vậy xuân này ngài đã vượt qua một thế kỷ ở cõi tạm này. Ngài xuất gia từ năm lên 5... Như vậy, vừa tuổi đời, vừa tuổi đạo, hiện nay hiếm có vị tu sĩ nào cả trong nước và thế giới sánh được với ngài.

Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ, Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN Tp.Hà Nội chia sẻ: nhiều khi phật tử chúng ta cứ “vọng ngoại”, cứ tìm thầy minh sư ở đâu đâu, ở nước nào, hãy cứ nhìn đức Pháp chủ của chúng ta, phải tu như thế nào mới được như thế chứ... Về điều này, tôi nhớ ngài đã khiêm cung mà nói: “Sống được bao nhiêu năm, không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến gần trăm năm, ở chùa 90 năm, thụ đại giới 75 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”. Khi được vấn an, ngài cũng nói, muốn có sức khỏe và tuổi thọ phải sạch cả thân và tâm. Vâng, tất cả là do công hạnh tu hành. 



Hơn hai ngàn năm, từ khi Phật giáo từ Ấn Độ vào nước ta, có những lúc thăng, lúc trầm, nhưng Phật giáo không mất đi, luôn đồng hành với dân tộc - cũng bởi có những bậc thạch trụ - bậc tùng lâm pháp khí, giữ rường cột, giữ vững ngọn nhiên đăng của ngôi nhà Phật pháp mãi trường tồn - một trong những người như thế là đức Pháp chủ đệ tam - Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ.

Chúng tôi mỗi người nhận quà từ tay ngài xong, ngồi xuống nghe ngài truyền cho một thời pháp ngắn: “Cố gắng mà tu, đừng bỏ phí thời giờ. Vô thường cõi này nhanh lắm, đời này là ngắn lắm. Sống làm ăn mà đâu có yên ổn mà còn phải chịu chiến tranh, tang thương lắm... Khi xả bỏ báo thân này, ta nên về Tây phương của Phật A Di Đà đây”, nói rồi ngày chỉ lên bức tranh Phật trên tường phòng khách. Lại nhớ, những năm 50 của thế kỷ trước, có phong trào các tăng, ni “xuất dương” sang Nhật Bản học đạo, thì ngài vẫn ở lại để thấm đặm cái vất cả của kiếp người của một đất nước đang có chiến tranh. Vâng, hơn ai hết hơn một thế kỷ cuộc đời gắn với dân tộc, ngài hiểu hơn ai hết chiến tranh giặc giã. Lời nói của ngài có sức nặng của công hạnh và chứng ngộ tu hành, cũng như kinh nghiệm sống của một người già kéo dài cả thế kỷ.

Vườn chùa, cây nhãn, cây mít cổ thụ trăm tuổi sum suê do chính tay ngài trồng. Vườn chùa, luống rau cải, luống rau cần cạn xanh non. Trước kia, nghe nói ngài vẫn cày cuốc như một nông dân thực thụ, đến năm 80 tuổi mới ngơi tay cày nhưng vẫn làm vườn luôn tay, không hề lạm dụng đồng tiền của đàn na tín thí. Không làm việc ruộng, việc vườn thì ngài lại sớm tốt đèn sách...

Khi ngài ra giữ ngôi Pháp chủ, làm rường cột cho Phật giáo nước nhà, ai cũng muốn ngài về một ngôi chùa ở nội thành gần những cơ sở y tế uy tín để tiện chăm sóc sức khỏe, cũng như lễ lạt trong Giáo hội nhưng ngài đều từ chối. Ngài muốn ở lại để sớm hôm đèn nhang giữ ngọn lửa truyền đăng của Tổ.

Một ngôi chùa quê giản dị, nơi trụ xứ của một bậc long tượng pháp khí thiền gia, rường cột cho Phật giáo nước nhà. Ngôi chùa quê thảo giã “am thanh cảnh vắng” ấy, có một bậc chân tu đạo hạnh ẩn mình.

Hà Quang Đức
theo Phatgiao.org.vn