Làm việc thiện như thế nào cho đúng?


 

Như thế nào là đúng đắn khác với sai lầm?

Lỗ vào thời Xuân Thu có luật định rằng, người nước Lỗ khi bỏ tiền ra để chuộc dân nước Lỗ bị bắt làm nô lệ từ các nước chư hầu khác về đều có thể đến quan phủ địa phương nhận lại số tiền đó. Tử Cống chuộc người về nhưng không chịu nhận lại tiền.

Khổng tử biết chuyện liền chê trách, nói: “Trò Tứ làm sai rồi. Bậc thánh nhân làm việc gì đều nhắm đến việc sửa đổi phong tục tập quán cho tốt hơn, để dẫn dắt dạy dỗ người đời những điều có thể làm được, chứ không chỉ riêng tự thân mình làm. Nay ở nước Lỗ rất ít người giàu có, đa số là dân nghèo, nếu chuộc người về rồi nhận lại tiền mà xem là không liêm khiết thì làm sao tiếp tục chuộc người khác nữa? Từ nay về sau e rằng sẽ không còn ai chuộc dân Lỗ bị bắt làm nô lệ ở các nước khác về nữa rồi!

Lại khi Tử Lộ cứu sống một người suýt chết đuối, người ấy mang một con trâu đến tạ ơn, Tử Lộ nhận lấy. Khổng tử biết chuyện vui mừng nói: “Từ nay nước Lỗ ắt sẽ có nhiều kẻ dám liều mình cứu người chết đuối.

Nếu theo cách nhìn của người thế tục thì Tử Cống chuộc người mà không nhận lại tiền là tốt, còn Tử Lộ cứu người mà nhận trâu là xấu. Thế nhưng Khổng tử lại khen Tử Lộ mà chê Tử Cống, cho nên biết rằng việc thiện không xét theo sự việc đang xảy ra, mà phải xét đến những ảnh hưởng lan rộng ngấm ngầm theo sau sự việc ấy; không xét theo hiện tại nhất thời, mà phải xét về tác động lâu dài; không xét riêng một người, mà phải xét đến ảnh hưởng đối với nhiều người.

Nếu việc đang làm tuy là việc thiện, nhưng ảnh hưởng lan rộng có hại cho người khác, thì việc ấy tuy có vẻ như thiện nhưng kỳ thật lại là sai lầm. Nếu việc đang làm tuy là bất thiện, nhưng ảnh hưởng lan rộng có thể cứu giúp người khác, thì việc ấy tuy có vẻ như bất thiện nhưng kỳ thật lại là đúng đắn.

Ở đây chỉ lấy riêng một ý tiêu biểu là thiện và bất thiện mà luận giải, còn những ý nghĩa khác như việc làm hợp đạo nghĩa lại giống như phi nghĩa, việc làm đúng lễ giáo lại giống như trái lễ, việc làm giữ đúng chữ tín lại giống như bất tín, việc làm từ ái lại giống như không có lòng từ… hết thảy đều nên phân biệt chọn lựa cho rõ ràng.

Như thế nào là lệch lạc khác với chính đáng?

Tể tướng Lã Văn Ý khi mới từ quan về quê, dân chúng khắp nơi trong nước đều hết lòng kính ngưỡng, xem như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu. Có một người cùng làng uống rượu say mắng chửi ông, ông không giận, nói với người hầu rằng: “Người ấy say rồi, đừng so đo với hắn.” Rồi đóng cửa lại không quan tâm đến.

Qua năm sau, người ấy phạm tội tử hình bị giam vào ngục, Lã Văn Ý biết chuyện lấy làm hối hận, nói: “Phải chi hồi đó ta có chút lưu tâm việc sai trái của hắn, bắt giao cho quan phủ trị tội, ắt là hắn phải chịu sự trừng phạt nhỏ mà có thể ngăn ngừa được tội ác lớn. Ta khi ấy chỉ muốn giữ lòng nhân hậu, không ngờ lại nuôi dưỡng cái ác của kẻ ấy cho đến nỗi thành ra sự việc như hôm nay.” Đó là có lòng lành nhưng lại thành ra làm việc xấu.

Lại có trường hợp khởi tâm xấu ác nhưng lại làm được việc tốt lành. Như có nhà kia hết sức giàu có, gặp năm mất mùa đói kém, có đám dân cùng khốn cướp lúa thóc nơi chợ búa ngay giữa ban ngày, báo lên quan huyện nhưng quan huyện không giải quyết. Những người kia thấy vậy lại càng phóng túng hơn, cuối cùng nhà giàu ấy liền tự ý bắt giam những kẻ cướp], nhờ vậy dân chúng mới được yên ổn. Nếu không làm thế ắt cả vùng đều loạn cả.

Cho nên, làm việc thiện là chính đáng, làm việc xấu ác là lệch lạc, điều ấy thì ai cũng biết. Nhưng khởi tâm thiện mà làm thành việc xấu ác, ấy là trong chỗ chính đáng mà thành lệch lạc; khởi tâm ác mà làm thành việc thiện, ấy là trong chỗ lệch lạc mà thành chính đáng. Những điều như thế không thể không suy xét rõ.

Như thế nào là tích âm đức khác với tạo phước ở đời?

Những việc thiện mà người đời thấy biết được, đó là tạo phước ở đời. Những việc thiện mà người đời không hay biết, đó là tích âm đức. Tích âm đức thì được trời báo đáp, còn tạo phước ở đời thì được hưởng tiếng tốt. Tiếng tốt đó cũng là phước báo vậy. Nhưng danh tiếng vốn là chỗ đối kỵ với lẽ tự nhiên của tạo vật. Người nào được thọ hưởng danh tiếng tốt đẹp mà không thực xứng đáng thì đa phần đều phải chuốc lấy tai họa.

Người nào không có lỗi lầm xấu ác gì mà phải oan ức nhận lấy tiếng xấu thì con cháu lại thường được nhanh chóng phát đạt. Sự khác biệt giữa tích âm đức với tạo phước ở đời thật hết sức tinh tế, nhỏ nhặt khó thấy.

Như thế nào là khó khăn khác với dễ dàng?

Các vị Nho gia ngày trước dạy rằng: “Muốn tự chế phục bản thân thì phải khởi đầu từ chỗ khó chế phục nhất.” Khổng tử bàn về việc tu sửa đức nhân cũng nói: “Phải khởi sự trước nhất từ chỗ khó.

Muốn khởi đầu từ chỗ khó ắt phải học theo như ông họ Thư ở Giang Tây, bỏ ra cả 2 năm lương bổng ít oi của mình để thay người khác nộp tiền phạt lên quan phủ, giúp cho vợ chồng người ấy được khỏi cảnh chia lìa. Lại như ông họ Trương ở Hàm Đan, đem hết số tiền dành dụm khó nhọc trong 10 năm để thay người khác nộp tiền chuộc thân, cứu sống được vợ con người ấy. Những người như thế đều có thể buông bỏ được điều rất khó buông bỏ là quyền lợi của bản thân.

Lại như ông già họ Cận ở Trấn Giang, tuy tuổi già vẫn chưa có con, nhưng không chấp nhận lấy một cô gái nhỏ tuổi làm thiếp mà trả lại cho gia đình người hàng xóm.

Đó là những trường hợp nhẫn chịu được điều khó nhẫn chịu, nên cũng được trời ban phước sâu dày.

Thông thường, những người giàu có, quyền thế thì việc tạo công đức thật dễ dàng. Nhưng nếu dễ mà không chịu làm, đó là tự hủy hoại chính mình. Những người nghèo khổ muốn làm việc tạo phước đức đều rất khó khăn, nhưng khó khăn mà có thể làm được, ấy mới là điều rất đáng quý.

Việc tùy duyên cứu giúp người khác có muôn hình vạn trạng, nhưng lược nói theo những điểm đại cương thì có thể phân ra mười loại:

1. Cùng người khác làm việc thiện.
2. Giữ lòng yêu kính đối với người khác.
3. Giúp thành tựu những điều tốt đẹp của người khác.
4. Khuyên bảo người khác làm việc thiện.
5. Cứu người khi nguy cấp.
6. Khởi xướng, xây dựng những việc lợi ích lớn lao cho cộng đồng.
7. Bỏ tiền của làm việc tạo phước.
8. Ủng hộ và bảo vệ, giữ gìn Chánh pháp.
9. Kính trọng các bậc tôn túc, trưởng thượng.
10. Khuyên người khác phải biết tôn trọng sự sống, thương yêu quý tiếc mạng sống của muôn loài.