Phật giáo được hiểu như thế nào


Phật giáo là một tôn giáo do Phật Đà Thích Ca Mâu Ni sáng lập, bao gồm những nội dung sau: Những tín đồ hợp lại thành đoàn thể tông giáo và tin theo lời dạy của Phật, theo sự dạy bảo của Phật về thực tiễn và tu hành.

Ngôn giáo Phật giải thích và phát huy những tư tưởng giáo nghĩa của kinh điển tông giáo của đức Phật, những giáo qui và nghi thức mà tín đồ phụng hành. Phật giáo gom lại và hình thành ba nội dung cơ bản nhất là Phật, Pháp, Tăng.

“Phật” là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ Phật Đà”. Trong thư tịch cổ của Trung Quốc, từ “Phật Đà” cũng dịch là “Phù Đồ”, ý nghĩa cơ bản là “giác giả” hay “người giác ngộ”, ý chỉ người đã “giác ngộ” chân đế nhân sinh, nắm vững chân lý tối cao do Phật dạy, chứng đắc những cảnh giới tốì cao do sự tu hành Phật giáo. Cụ thể là chỉ Thích Ca Mâu Ni Phật, tức giáo chủ của Phật giáo.

“Pháp” là dịch âm từ Phạn ngữ “Đạt Ma” “Đạt Mạ” hoặc “Đàm Vô” v.v… “Pháp” bao hàm hai ý, một là chỉ những qui phạm hoặc qui luật của sự vật, người ta có thể thông qua những qui phạm hoặc qui luật này hiểu biết được sự vật, một ý khác là chỉ tự tánh hoặc bản chất của sự vật.

Chính vì tự tánh hoặc bản chất của sự vật mà quyết định sự sai biệt của các sự vật khác nhau, phơi bày muôn màu xán lạn của các hiện tượng trên thế giới này, cho nên, từ những ý nghĩa trong một chừng mực nào, “pháp” khái quát những hiện tượng và bản chất của tất cả sự vật trong vũ trụ.

Trong kinh Phật thường nói “nhất thiết pháp”, “tam thế chư pháp”, “thế gian pháp”, v.v… là chỉ ý nghĩa đó. Ngoài ra từ “pháp” trong rất nhiều trường hợp là chỉ Phật pháp, là chỉ Phật giảng thuyết tất cả lý luận giáo lý. Người đời thường nói “Phật pháp”, trong kinh điển Phật giáo, vì ghi chép lại giáo pháp của Phật Đà, nên thường dược gọi là “pháp bảo”.

“Tăng” chỉ những tín đồ Phật giáo tín phụng Phật pháp và theo pháp xuất gia tu hành, đồng thời thừa kế và hoằng dương giáo lý Phật giáo. Tăng dịch âm từ Phạn ngữ  “tăng già” nghĩa là “hòa hợp chúng” “pháp chúng”.

Sách “Thích Thị yếu lãm” giải thích rằng: “Phạn ngữ gọi là tăng già; Nhà Đường gọi là chúng, thời nay gọi là tăng”. Vì thế mà ta có thể hiểu là ý nghĩa ban sơ của “tăng” là “chúng”.

Kinh A Hàm nói “Có người khác họ, khác tên, khác chủng tộc, cạo sạch râu tóc, mặc áo cà sa, chí tín như người trong nhà, theo Phật học đạo, gọi tên là chúng”, cho nên, phật tử xuất gia tu hành được gọi là “tăng”.