Phương pháp và biện pháp trong giáo dục Phật giáo



Người ta có thể tìm thấy tất cả các phương pháp sư phạm hiện đại tiềm tàng trong kinh điển Phật giáo. Trong các thời thuyết giảng, Đức Phật rất linh động trong phương pháp. Có khi tự Đức Phật nêu vấn đề và triển khai chi tiết (diễn giảng có khi do được hỏi, hay do Ngài gợi ý bằng câu hỏi vấn đáp). Đức Phật thường dùng các phương pháp thí dụ, ẩn dụ, so sánh, đối chiếu, quy nạp, tổng hợp, diễn dịch, loại suy. Đây là những phương pháp mà về sau này các ngành khoa học đều thường sử dụng. Trong Thiền học, người ta có thể tìm thấy những phương pháp đặc biệt của giáo dục Phật pháo: kỹ thuật thiền định, sự tập trung quán tưởng, sự thâm nhập đề tài bằng tất cả tâm thức. Lối giáo dục bằng cách đả phá, bằng cách đột ngột làm bùng vỡ sự mê tối qua cử chỉ, nói năng, im lặng, qua chiếc gậy, tiếng hét. Một mặt, chúng là phương pháp; một mặt, chúng là những thủ thuật kỳ đặc tỏ ra rất có hiệu năng. Các khóa thiền định cũng như những chương trình sinh hoạt khác trong tu viện như an cư kiết hạ, giới đàn, yết-ma được xem là những biện pháp tự rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức, trí lực rất đặc biệt của Phật giáo. Phương pháp và biện pháp giáo dục là thuộc khoa sư phạm. Một vị thầy giảng pháp phải có những phương cách nào để thính chúng hiểu pháp, chọn lựa nội dung bài giảng như thể nào cho phù hợp với thính chúng? Kinh Tăng chi bộ chương Năm pháp liệt kê năm điều cần áp dụng khi giảng pháp:
1. Thuyết pháp theo thứ tự từ thấp đến cao.
2. Thuyết y theo pháp môn kinh điển.
3. Thuyết vì lòng từ bi, muốn lợi ích cho mọi người.
4. Thuyết không vì lợi ích của mình, không mong được đền đáp.
5. Không chê người khen mình. Kinh Ưu-bà-tắc giới nêu việc thuyết pháp hay giảng dạy gồm 16 điều cần nhớ:
1. Thuyết pháp tùy thời.
2. Thuyết giảng hết lòng.
3. Thuyết giảng theo thứ tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.
4. Thuyết giảng một cách hòa hợp.
5. Thuyết giảng theo đúng nghĩa lý.
6. Hoan hỷ thuyết giảng.
7. Tùy ý thuyết giảng.
8. Không khinh thường thính chúng.
9. Không la mắng thính chúng.
10. Nói đúng chánh pháp.
11. Nói pháp lợi mình lợi người.
12. Nói pháp không tán loạn.
13. Nói pháp hợp nghĩa.
14. Nói chân chính.
15. Nói xong thì không kiêu mạn.
16. Nói xong không cần quả báo về sau.
Năm điều và 16 điều nói trên vừa mang tính chất thể cách giáo dục vừa bao hàm phẩm chất của người thầy. Có quan điểm phân biệt hai phương pháp tổng quát về việc giảng dạy Phật pháp: 1. Hữu ngôn (verbal teaching) và 2. Vô ngôn (non-verbal teaching). Giáo pháp của Đức Phật được trình bày qua 12 bộ loại kinh (thập nhị bộ kinh) có lời giảng cụ thể của Đức Phật, gọi là giáo lý hữu ngôn. Giáo pháp được trình bày qua sự im lặng của Đức Phật trước một số câu hỏi xét ra nếu trả lời trực tiếp thì người nghe cũng không hiểu và có thể gây hiểu nhầm, gây trở ngại cho việc tu học., hoặc những phương cách của Thiền môn như tiếng hét, sự xô đẩy, sự quơ đập gậy… thì đều gọi là giáo lý vô ngôn. Việc chia thành 12 bộ loại kinh chủ yếu là nêu những thể cách trong phương pháp giảng dạy của Đức Phật tùy theo hoàn cảnh, trường hợp, nhằm làm sáng tỏ giáo lý. Đó là:
1. Khế kinh (sutra): Văn xuôi, giảng trực tiếp.
2. Ứng tụng (geya): Kệ tụng giải thích giáo lý đã thuyết trong khế kinh.
3. Ký biệt (vyakarana): Thọ ký, ấn chứng của Đức Phật về tương lai của các đệ tử của Ngài.
4. Phúng tụng (gatha): Phần kệ tụng độc lập, trực tiếp ghi chép giáo thuyết của Đức Phật mà không cần lặp lại ý đã nói trước đó.
5. Tự thuyết (udana): Đức Phật giảng pháp để khai thị mà không nhân vì có người hỏi pháp.
6. Nhân duyên (nidana): Ghi chép các hoàn cảnh, nhân duyên giáo hóa của Đức Phật (như ở các phẩm Tự).
7. Thí dụ (avadana): Dùng thí dụ để giảng pháp.
8. Bổn sự (itivrttaka): Nói về các hành nghi ở đời quá khứ của Đức Phật và các đệ tử, hoặc các kinh mở đầu bằng “Phật đã thuyết như vậy”.
9. Bổn sinh (jataka): Nói về việc tu hành, hành trạng của Đức Phật thời quá khứ.
10. Phương quảng (vaipulia): Các kinh có ý nghĩa rộng lớn, sâu xa.
11. Hy pháp (adbhuta-dharma): Còn gọi là Vị tằng hữu, nói về những sự việc hiếm có của Đức Phật và các đệ tử.
12. Luận nghị (upadesa): Đức Phật luận nghị phân biệt các thể tính của các pháp, làm sáng tỏ ý nghĩa. Về phương pháp vô ngôn, thực ra đây cũng là một phương pháp hữu ngôn nói theo ý nghĩa rộng, quy ước hay dấu hiệu diễn tả ý của một người chuyển cho người khác, chỉ khác với hình thức diễn đạt bằng lời. Kinh A-hàm nêu 14 câu hỏi (kinh Trung bộ nêu 10 câu) mà Đức Phật không trả lời. Đó là:
1. Thế giới là thường hằng?
2. Thế giới không thường hằng?
3. Thế giới vừa thường hằng vừa không thường hằng?
4.Thế giới không vừa thường hằng vừa không thường hằng?
5. Thế giới là hữu hạn?
6. Thế giới là vô hạn?
7. Thế giới vừa hữu hạn vừa vô hạn?
8. Thế giới không phải vừa hữu hạn vừa vô hạn?
9. Ngã và thân là một?
10. Ngã và thân là khác?
11. Như Lai tồn tại sau khi chết?
12. Như Lai không tồn tại sau khi chết?
13. Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết?
14. Như Lai không phải vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết? Sự im lặng ấy được gọi là vô ký (avyakrta). Sự im lặng của Ngài Duy-ma-cật được Tôn giả Vănthù gọi là “một sự im lặng như một tiếng sấm” (kinh Duy-ma-cật). Và ta cũng tìm thấy không ít trường hợp giáo dục vô ngôn trong Thiền tông. Một phương pháp giáo dục nữa mà ngày nay đang được khuyến khích áp dụng là giúp người học tự phát triển kiến thức, đạo đức và kỹ năng hoạt động. Kinh Pháp Hoa gọi đó là “khai, thị, ngộ, nhập”:
1. Trình bày giáo pháp ;
2. Khiến người học thấy được giáo pháp ;
3. Người học thấy được giáo pháp thì rõ nghĩa ;
4. Thế rồi người học nhập vào giáo lý mà tu tập để được chứng ngộ.
Phật tính như viên ngọc nằm trong túi áo của mỗi người, ngộ là mình tự ngộ chứ không ai ngộ cho mình được. Người thầy cần làm sao để học trò tự phát triển, tự ngộ. Masao Abe, học giả Phật học Nhật Bản, so sánh sự liên hệ giữa thầy và trò với sự liên hệ giữa người hộ sinh và sản phụ: “ Thật nực cười nếu một vị hộ sinh trao con của chính mình cho sản phụ sắp sinh con. Vai trò của người hộ sinh chính là giúp sản phụ sinh ra đứa con của chính bà ta”(Zen and Western Thought, University of Hawaii Press, 1985). Sự so sánh này cũng tương tự sự so sánh của Socrates mà về sau các nhà giáo dục gọi là phương pháp hộ sinh (maieutic method). Ta lại càng thấy rõ phương pháp này nhiều hơn qua rất nhiều kinh miêu tả cuộc đàm thoại giữa Đức Phật với đệ tử hay với những người đến tham vấn. Những câu hỏi gợi ý của Đức Phật cuối cùng đưa họ đến sự lý giải đúng đắn.
Phương tiện thiện xảo (upaya-kosalla): Phương tiện thiện xảo là một đặc trưng về phương pháp trong giáo dục Phật giáo. Đức Phật dạy: “Từ khi Ta thành Phật, bằng nhiều lập luận, nhiều thí dụ, Ta đã thuyết giảng rộng rãi và bằng vô số phương tiện thiện xảo, khiến chúng sinh xa lìa những ý niệm chấp trước. Vì sao? Vì Như Lai đã đầy đủ phương tiện tri kiến ba-la-mật”. (Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện). Vô số phương tiện thiện xảo mà chư Phật sử dụng để giảng dạy cũng chỉ duy nhất nhằm trỏ đến Phật thừa, đến chân lý tối hậu. Cũng trong phẩm Phương tiện của Kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy: “Chư Phật trong quá khứ, … trong vị lai,… trong hiện tại dùng vô lượng, vô số phương tiện, các thứ nhân duyên, ngôn từ, thí dụ để vì chúng sanh mà diễn nói pháp. Các pháp đó đều là một Phật thừa, nên các chúng sanh theo chư Phật nghe pháp, cứu cánh đều thể chứng được Nhất thiết chủng trí”. Phương tiện là phương pháp, cách thức được sử dụng nhằm thực hiện một sự việc nào đó. Thiện xảo là hay, giỏi, tốt đẹp. khéo léo. Phương tiện thiện xảo trong Phật giáo nhằm cho việc tu tập và giáo huấn, cứu độ người khác. Phương tiện thiện xảo là sự thể hiện của trí tuệ nhận biết cơ duyên, hoàn cảnh, đối tượng và nội dung, mục đích yêu cầu của sự việc mình đang thực hiện. Vì được áp dụng có mục đích nên phương tiện thiện xảo trong giáo dục Phật giáo luôn mang tính từ bi muốn cứu độ người khác khỏi lầm lạc, khổ đau. Nikkyo Niwano, vị học giả Phật học nổi tiếng của Nhật Bản, định nghĩa phương tiện thiện xảo như sau: “Nhằm trỏ một ý nghĩa, một phương pháp soi sáng, áp dụng cho người hay cho trường hợp” (Buddhism for Today, Kosei Publishing Co., Tokyo, 1975). Kinh Thánh cầu của Trung bộ kinh (số 26) có thuật rằng sau khi đạt đại giác dưới cội bồ-đề tại Bodhigaya, Đức Phật nghĩ rằng chân lý Ngài chứng đạt rất thâm sâu, khó phổ biến cho người đời cho nên Ngài định nhập Đại Niết-bàn. Ngay khi đó Phạm thiên sợ rằng thế giới sẽ mất mát lớn nếu Đức Phật nhập Niết-bàn mà không chỉ dạy con đường giải thoát cho chúng sinh, bèn khẩn cầu Đức Phật hãy khoan nhập Niết-bàn và hãy giảng pháp cho những ai muốn nghe. Với Phật nhãn, Ngài nhìn quanh thế gian và Ngài thấy: “Có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiễm nhiều bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ dạy, khó dạy…”. Rồi do lòng đại từ bi, Ngài quyết định giảng pháp cho những ai muốn nghe để cứu độ họ. Các đối tượng khác nhau có hoàn cảnh, căn cơ khác nhau đòi hỏi có phương pháp, biện pháp giáo dục khác nhau. Đấy là sự cần thiết phải có phương tiện thiện xảo trong giáo dục.

Kinh Thiện Phương tiện bảo rằng Đức Phật nhập thai tạng, sinh vào hoàng gia làm thái tử, kết hôn, xuất gia… đều là phương tiện thiện xảo, lấy đời Ngài để dạy chúng sinh. Từ đó ta có thể bảo rằng Đức Phật luôn luôn dùng phương tiện thiện xảo trong giảng dạy. Kinh Thí dụ Con rắn (số 320 của Trung bộ kinh) kể thí dụ người dùng bè qua sông, đến bờ bên kia người ấy phải bỏ bè mà đi chứ không vác bè theo. Ngài dạy: “Cũng vậy, này chư Tỳ-kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua sông chứ không phải để nắm giữ. Này chư Tỳ-kheo, các ông cần phải hiểu thí dụ chiếc bè… Chánh pháp còn phải bỏ đi huống là phi pháp” . Trong kinh Viên Giác, phẩm Thanh tịnh tuệ, Đức Phật dạy: “Tất cả giáo lý của kinh đều như ngón tay chỉ mặt trăng”. Điều cần nhớ là đặc trưng của giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục Phật giáo là sự linh động, sự vươn lên không ngừng, phóng khoáng với tâm an nhiên và trí sáng suốt để đi đến mục đích tối hậu. Tất cả những thí dụ, ẩn dụ, kệ tụng, đàm thoại… trong rất nhiều kinh Phật kể cả Nguyên thủy lẫn Đại thừa đều là những thể hiện của phương tiện thiện xảo. Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện, Đức Phật dạy rằng ba thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát đều đưa đến Nhất thừa là Phật thừa. Phẩm Ngôi nhà lửa, phẩm Hóa thành của kinh cũng cho thấy Niết-bàn được miêu tả như là phương tiện thiện xảo, nêu ra để khích lệ chúng sinh đang chịu khổ trong vòng luân hồi như đám trẻ ham đồ chơi mà không thấy lửa đang cháy cần thoát ra khỏi nhà, như người lữ hành mệt mỏi, đói khát trên sa mạc, cần có chỗ nghỉ ngơi. Kinh Angulimala (số 86, Trung bộ kinh) kể chuyện tướng cướp muốn giết hại Ngài. Với Phật nhãn và với lòng từ bi, Ngài biết có thể cảm hóa tên cướp nên đã thi triển thần thông, đi, đứng, nói, im đã khiến tên cướp từng giết bao người để xâu tai đeo vào cổ phải buông đao xin làm đệ tử và về sau đắc A-la-hán. Tuy Đức Phật không chấp nhận giáo lý Bà-la-môn, Ngài vẫn dùng một số nội dung, một số vị thần của tôn giáo này để dẫn dụ cho giáo pháp của Ngài. Ngài còn nêu con đường để tái sinh vào cõi Phạm thiên cho các vị Bà-la-môn (kinh Tam minh, Trường bộ kinh). Con đường này chính là con đường chuẩn bị để nhập Niếtbàn. Ngài dùng phương pháp đàm thoại, gợi ý, dùng giáo lý Phật giáo để giảng về sự cộng trú với Phạm thiên: đó là không dục ái, không hận tâm, không sân tâm, không nhiễm tâm và có sự tự tại. Chư Bồ-tát với trí tuệ và từ bi, bằng thệ nguyện cứu đời, được sức gia trì của Đức Phật, chính là những vị thực hiện Phật pháp, đem Phật pháp giảng dạy cho chúng sinh. Chư vị dùng phương tiện thiện xảo, khi thì bằng hành động, khi thì bằng lời giảng. Chư vị có những hóa thân khác nhau để phù hợp với mọi cơ duyên, hoàn cảnh. Kinh Jataka của Tiểu bộ gồm 543 truyện, kinh Jatakamala gồm 35 truyện và một số truyện khác trong nhiều kinh đều kể về tiền thân Đức Phật khi Ngài tu hạnh Bồ-tát, đã thể hiện các phương tiện thiện xảo để cứu chúng sinh. Theo các kinh điển Đại thừa, chư Bồ-tát là những vị thuộc hàng Thánh giả cao nhất, trên thì cầu Phật đạo bằng trí tuệ, dưới thì cứu độ chúng sinh bằng từ bi. Có vô số Bồ-tát thuộc nhiều giai vị. Ví dụ kinh Bồtát Anh lạc nêu 52 giai vị (thập tín, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, cấu địa và diệu giác). Hãy lấy trường hợp Bồ-tát Quán Thế Âm. Đọc kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, ta thấy trí tuệ và từ bi của Ngài thật rộng lớn, đặc biệt là thần thông biến hóa (được hiểu là các phương tiện thiện xảo để cứu độ chúng sinh). Ngài thị hiện thân Phật, Tỳ-kheo, ưu-bà-tắc, trời, dạ-xoa… đề nhiếp hóa chúng sinh. Với 32 hóa thân, Ngài được miêu tả bằng nhiều hình tượng nhiều đầu, nhiều tay, nhiều mắt để chỉ nhiều loại trí, quán sát khắp cõi chúng sinh, bố thí, cứu vớt vô vàn…: ba đầu, năm đầu, hàng nghìn đầu, bốn mắt, nghìn mắt, hàng chục nghìn mắt, bốn tay, nghìn tay, hàng chục nghìn tay… Kinh Phật thuyết Chân tu Thiên tử, phẩm hai, có ghi: “Thế nào là Bồ-tát đạt phương tiện thiện xảo? Thuận theo thế gian, không xa lìa nhưng cũng không đắm nhiễm.” Không xa lìa thế gian vì dùng phương tiện thiện xảo cho thích hợp, cụ thể từng trường hợp. Không đắm nhiễm vì chư vị đều thuộc hàng Thánh và vì ý nghĩa của phương tiện thiện xảo là không đắm nhiễm. Trong luận Bồ-đề Tư lương, Ngài Long Thọ bảo: “Trí tuệ bát-nhã là mẹ của chư Bồ-tát, phương tiện thiện xảo là cha của họ, lòng từ bi là con gái của họ.” Kinh Duy-ma-cật miêu tả Bồ-tát Duy-ma-cật có đầy đủ phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh: “Ngài biết rõ xu hướng tâm linh của chúng sinh, căn cơ nhạy bén hay chậm lụt, mọi hành động đều đưa đến tư duy chân chính… được Phật khen ngợi, Đế Thích, Phạm thiên kính phục”. Một khi Đức Phật đã tuyên bố rằng tất cả Phật pháp đều chỉ là phương tiện, phương tiện thiện xảo thì ta cũng nên nhận thức rằng đâu đâu trong kinh cũng mang tính chất thiện xảo, được như vậy thì sự chấp trước cứng nhắc vào kinh điển sẽ giảm thiểu đi nhiều. Về nội dung, giáo dục Phật giáo chú trọng đến trí tuệ, từ bi và đạo đức; về phương pháp thì nổi bật với phương tiện thiện xảo. Riêng phương tiện thiện xảo thì như đã nói, phải mang tính chất trí tuệ và từ bi. Như một dẫn chứng cuối cùng cho phần này, xin nêu lại câu chuyện kể trong kinh Thiện phương tiện, phẩm Thập phương tiện: Vị Bồ-tát cùng đi với một đoàn thương nhân, biết được trong đoàn có một tên cướp sắp thực hiện hành vi ác độc là giết mọi người trong đoàn để cướp của. Bồ-tát (tiền thân của Đức Phật) nghĩ rằng nếu báo cho mọi người biết sự việc ấy thì tên cướp sẽ bị mọi người giết, nếu im lặng thì mọi người sẽ bị giết, đằng nào các thương nhân và tên cướp đều gây nghiệp sát sinh. Cuối cùng, Ngài ra tay giết tên cướp. Phương tiện thiện xảo ở đây được tìm thấy trong nội dung câu chuyện nhưng chủ yếu là tính giáo dục về từ bi và trí tuệ qua phương tiện thiện xảo là sự việc gây ảnh hưởng về hai đức tính ấy cho mọi người. “Trảm nhất miêu cứu vạn thử” là tinh thần chống kẻ ác cứu số đông người của đời Lý Trần ở Việt Nam và của một số nước Phật giáo ở châu Á.


Thích giác Toàn„