Tinh hoa của Phật giáo Trúc Lâm


Trăm năm tích đức tu hành
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu

 

Là tôn giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai mở, phát triển, hơn 700 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Phật giáo Trúc Lâm) đã luôn đồng hành cùng dân tộc, với tinh thần “Cư Trần Lạc Đạo” được lưu giữ, trao truyền lại hôm nay, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động “Lợi đạo, ích đời” của những người con đất Việt trên mọi miền Tổ quốc cũng như đang sinh sống ở nước ngoài, đã hội tụ và lan tỏa vào dòng chảy văn hóa của nhân loại, trở thành biểu tượng sáng ngời về giá trị tinh thần người Việt với bạn bè quốc tế.

Sau khi xuất gia tu hành nơi non thiêng Yên Tử, nhờ vào năng lực công phu tu hành của mình, Vua Trần Nhân Tông đã sớm đắc đạo, Ngài khám phá ra chân lý của vũ trụ, thấu tột “bản lai diện mục” của chính mình, khơi lại nguồn sáng tạo “Vô sư trí” trong con người Ngài…Ngài đã được nhân dân ngưỡng vọng, tôn thờ là Phật Hoàng. Có thể nói, bài “Cư Trần Lạc Đạo” của Phật Hoàng đã trở thành một triết lý sống, là tôn chỉ của Phật giáo Trúc Lâm lúc đó cũng như mãi về sau này. Ở đó, Phật Hoàng đã khái quát phương cách tu hành và xuất thế giải thoát hết sức đơn giản và thực tế: “Ở đời tu đạo hãy tuỳ duyên/Đói đến thì ăn mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền(1)”. Có thể tóm tắt tư tưởng nhất quán của Thiền phái là: Sống hòa mình với đời, không câu chấp; Hành động tùy duyên, làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên; Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực; Không phụ thuộc vào bất cứ gì, dù Thiền hay Phật. Đó cũng chính là những tinh hoa, thể hiện giá trị ưu việt và tính thời đại của Thiền phái, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội.


Phat-giao-Truc-Lam


Đạo luôn gắn bó với đời, vì đời mà hành đạo, đề cao nhân tố con người

Nói đến Thiền phái Trúc Lâm là nói đến tinh thần nhập thế vào đời sống xã hội của người tu hành. Người xuất gia muốn tìm con đường giác ngộ không thể từ bỏ thế gian này mà giác ngộ được. Thiền phái chủ trương một mặt không ngừng học tập, tu hành để đạt giải thoát hoàn toàn viên mãn; mặt khác, luôn tích cực xây dựng cuộc sống hạnh phúc và phục vụ quốc gia, dân tộc. Người Phật tử, kể các vị vua thời Trần dù phải bận rộn nghiên cứu kinh sử vẫn sẵn sàng “cởi áo cà sa, khoác chiến bào” ra trận khi Tổ quốc lâm nguy. Với tinh thần Bồ Tát đạo thì người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục: “Phàm là người xuất gia, bước đi một bước vượt đến chân trời cao rộng, hình tướng và tâm hồn khác với người thế tục, làm cho dòng thánh hưng long, nhiếp khục ma quân, để trên báo đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ cho ba đường(2). Phật giáo nhập thế không phải vì danh lợi hay giáo quyền, mà là vì lợi ích chung của quốc gia và hạnh phúc của nhân dân. Ngài đã dạy cả quốc gia học và thực hành theo con đường Bồ Tát đạo; lấy giáo lý Thập Thiện, là cội gốc pháp lành thế gian làm nền tảng xây dựng xã hội: “Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài/Đãi cát kén vàng, còn lại nhiều phen lựa lọc”. Ngài khuyến khích các vị xuất gia ra sức học tập kinh sử, kiến thức thế gian để hòa nhịp vào công cuộc giúp cho dân giàu, nước mạnh và xã hội công bằng, đạo đức. Người Phật tử phải kính trọng Phật pháp, nương Phật pháp và ứng dụng trí Phật để hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc, với xã hội, với nhân dân; không tham ái, sân hận, an nhiên tự tại trước hoàn cảnh. Phật giáo Trúc Lâm chủ trương giáo dục và khuyến khích con người hướng thiện bằng cứu nhân độ thế, trọng nghĩa tình, xem thường danh lợi, biết kiềm chế mình, biết xây dựng cuộc sống hạnh phúc; sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng phẩm chất và trí tuệ sáng tạo, đề cao nhân tố con người. Vì lẽ đó, với tinh thần “Hòa quang đồng trần”, Đạo Phật thời Trần đã sinh ra những trí thức có tinh thần phóng nhiệm, tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu quê hương, lạc quan, đầy nghị lực, ý chí để dấn thân, giáp mặt và chuyển hóa cuộc đời, đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho đường lối hoạt động của Thiền phái từ đó về sau này. Tính chất nhập thế ấy của Phật giáo Trúc Lâm đã làm nổi bật tư tưởng Phật pháp tại thế gian, việc đạo không thể tách khỏi việc đời mà ở tại đời và có trách nhiệm với đất nước trên mọi lĩnh vực.

Có thể nói, một trong những nét độc đáo của Thiền phái Trúc Lâm chính là ở chỗ luôn chủ động gạn lọc, tiếp thu cái hay, gạt bỏ cái dở để sáng tạo ra một xã hội luôn đổi mới, trẻ trung, cập nhật với thời thế. Từ nhận thức sâu xa về thế giới, về con người, Phật Hoàng đã biểu hiện thái độ sống và hành xử đầy khoan dung, nhân ái, dũng cảm, trí tuệ mà an nhiên tự tại, dung dị: “Niên thiếu chưa từng hiểu sắc, không/Xuân đến, hoa sắc vướng tơ lòng/Nay thì thấy rõ bộ mặt thật của chúa Xuân/Người an nhiên ngắm đóa hồng nở, rụng.”

Đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng rất triết lý, nhân văn, khoa học

Về phương diện tư tưởng, Phật Hoàng Trần Nhân Tông chịu ảnh hưởng sâu xa của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung, nhưng xét cách diễn đạt thì Tuệ Trung đơn giản, hiện thực hơn, trong khi Phật Hoàng chững chạc, thiên về văn chương và hình thức hơn. Ngài Tuệ Trung đã từng nói: “Đạo Phật cấm sát sinh, song giết giặc cứu dân không có gì là trái đạo, ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối. Ở đâu tu cũng được, tu thì lâu cạo đầu mấy chốc?”, “Trì giới và nhẫn nhục/Thêm tội chẳng thêm phúc/Muốn không tội, được phúc/Đừng trì giới nhẫn nhục” và: “Khi mê không biết ta là Phật”. Đồng quan điểm đó, vua Trần Thái Tông cũng khẳng định: “Thân ta tức là thân Phật, không có hai tướng”. Kế thừa, tiếp thu quan điểm của bậc tiền bối, đặc biệt là từ Ngài Tuệ Trung và vua Trần Thái Tông, với lối diễn đạt đơn giản, thực tế, Phật Hoàng đã khẳng định: “Bụt ở cong nhà/Chẳng phải tìm xa/Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt/Chỉn mới hay chính Bụt là ta(3)

Điều đặc biệt của Phật giáo Trúc Lâm thể hiện ở việc không phân biệt người tu ở chùa hay tu tại gia. Cả hai hình thức tu tập đều hướng tới mục tiêu tìm lại, thức tỉnh “bản tính Phật” trong tâm của từng người bằng con đường từ bi và trí tuệ; gắn chặt với đời để đến bến bờ giải thoát. Người tu hành sống vì đời, hòa nhập với đời nhưng vẫn có thể giác ngộ được Niết bàn. "Ở đời vui đạo" là lối sống thanh tịnh và an lạc của Phật Hoàng và các Phật tử khi đạt đạo. Đó là sự thống nhất một cách tự nhiên và sinh động, không biệt lập, tách rời cuộc sống đời thường với hành trạng thiền sư: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tác/Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đã đồ công”. Ngài cũng đã dạy con người kiên trì rèn luyện, tu trì bằng nhiều phương thức để giác ngộ, dù cách thức khác nhau, nhưng chân lý đạt giác ngộ là một: “Vậy cho hay/Cơ quan tổ giáo/Tuy khác nhau nhiều đàng/Chẳng mấy tấc gang(4). Với việc vận dụng tư tưởng Phật tại tâm, tư tưởng vô ngã một cách sinh động vào đời sống xã hội, nhà vua đã biến tấm lòng của thiên hạ thành những tấm lòng cao đẹp của giác ngộ với chân tâm thường lạc.

Qua những lời thơ, ý văn ngắn gọn, mộc mạc nhưng thâm sâu, Phật Hoàng đã truyền giảng, diễn giải mối quan hệ giữa “hữu - vô”,“thân - tâm”, đề cao bản ngã, “nghiệp lặng”,  “an nhàn thể tính”, “tự tại thân tâm”, coi trọng cuộc sống thực tại, cảnh tỉnh lối tu hành cực đoan, cố chấp. Ngài viết: “Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại/Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông/Giường thiền ở dưới góc cây/Hai chữ thanh nhàn quý hơn vạn nén vàng(5). Theo Ngài, với người tu thiền, khi nào ánh sáng giác ngộ bùng vỡ từ sâu thẳm của tâm thức, khi nguồn sống tâm linh được tuôn trào, thì lúc ấy tự thân sẽ khám phá được kiếp người và thế giới: “Chúng sanh xưa nay vốn đã là Phật, sanh tử/Niết bàn như giấc mộng đêm qua”. Thiền giúp con người hình thành đức tính để nhìn được bản chất sự vật, gọi là thực chứng chân lý, là trạng thái tâm ổn định vững bền, là nền tảng khởi tu, phát triển và hoàn thiện Phật tính. Vì vậy, người tu thiền đạt đạo có được những quyền năng siêu việt mà người thường không dễ gì có được.

Theo Phật Hoàng, cuộc sống là chặng đường trong luân hồi, chính là giai đoạn để giác ngộ chân lý. Người con Phật phải ý thức được tâm thế vui với đạo, thuận theo lẽ đạo, tùy duyên mà hành đạo và rèn luyện để đạt được đức tin; mở mang trí tuệ, giữ gìn và thực hành điều thiện, phát triển lòng từ bi hỉ xả. Ngài đã chủ trương qua Phật giáo nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; xây dựng hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, gia đình, làm cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước. Theo Phật Hoàng, sự giác ngộ đạt đạo, phải được thực hiện ngay trong kiếp này, không để cuộc đời trôi qua một cách vô ích.

Phật ngự ngay trong cuộc sống hiện thực của con người

Với người con Phật, mục đích cuối cùng của cuộc đời tu hành chính là tu đắc đạo, đạt quả vị Phật, Thánh, trở về cõi Cực Lạc. Phật giáo Trúc Lâm đã khẳng định, Đức Phật luôn hiện hữu ở ngay trong tâm thức của mỗi con người, chỉ cần lòng lặng thì ai cũng trở thành Phật. Theo Phật Hoàng, điều kiện tiên quyết cho sự giác ngộ chính là giữ cho tâm được thanh tịnh, nghĩa là “Tâm chính là Phật”,“con người ta ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể thành Phật”. Với quan điểm Phật tại tâm, niệm Phật chính là loại bỏ niệm xấu, đạt được niệm tốt để tâm trở nên trong sạch hoàn toàn. Mục đích của Thiền là tẩy sạch những thứ làm cho tâm ô nhiễm, dao động để tâm thức mở cửa vào “tâm giải thoát”, như Ngài Tuệ Trung đã nói: “Gốc của bổn phận Thiền là soi sáng lại chính mình, không từ bên ngoài mà được”. Phật Hoàng luôn nhấn mạnh: “Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, nhắc nhở Phật tử phải tự tâm mình dập tắt các ngã tướng, vọng tưởng, khi ấy thì các ngã tướng sinh diệt sẽ bị dập tắt. Đây cũng là kinh nghiệm tuyệt vời của Ngài Tuệ Trung: “Đạo bất tại vấn, vấn bất tại đạo”, Phật Thế Tôn cũng chỉ giáo: "Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, đời và đạo, sáng và tối, chúng sanh và Phật, phiền não và Bồ đề, sanh tử và Niết bàn", Phật Hoàng khẳng định: “Mọi pháp đều không sinh/ Mọi pháp đều không diệt/ Nếu hiểu rõ như thế/Thì thấy chư Phật thường hiện diện/Có đi lại, sinh diệt gì đâu?”(6). Phật Hoàng đã đánh thức con người trở lại tự tâm, tự tính để sáng tỏ tự tâm Tịnh độ, tự tính Di đà, trở về chính mình để ngộ được chân lý và hạnh phúc: “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương/Di đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc(7); đó là khi tâm hồn không còn vướng bận, không còn ngại tránh các thanh sắc trần thế để “Sống đời vui đạo”, tùy duyên mà xử sự. Cõi Cực Lạc không nên tìm tận Tây phương mà chỉ cần tìm ở sự gạn lọc tự tâm. Chủ trương này đã hóa thành hiện thực, lý giải tại sao người dân thời Trần đã kiến tạo Phật quốc trong lòng mình bằng nếp sống “Cư trần lạc đạo”. Đấy là cách nhìn và thái độ sống của Phật giáo nhằm giúp tự thân tự tại vượt thoát, vừa giải quyết vấn đề giải thoát nhân sinh, vừa giải quyết vấn đề quốc gia, xã hội. 

Phật Hoàng là vua Phật, là Người khai sáng ra Thiền phái riêng có của người Việt, đó là trực giác trên bản tâm xưa nay, là giá trị bất diệt trong con người thực của Phật Hoàng(8). Người tỏ ngộ được chân lý này là Thiền phái còn bền vững lâu dài ở thế gian, đó chính là mạch sống Thiền tông Việt Nam còn chảy mãi không dứt. Theo Ngài, con người phải nắm và phát huy Giới, Định, Tuệ(9) một cách chính pháp để chấm dứt mọi đau khổ luân hồi, xây dựng con người lý tưởng cho cuộc đời. Hơn 700 năm sau ngày Phật Hoàng nhập Niết bàn, Phật giáo Trúc Lâm tiếp tục phát triển mạnh mẽ bởi cách tu tập và triết lý vẫn mang đậm tính thời đại: Tu thiền là trở lại với tâm mình, đưa con người trở về sống với nội tâm thanh tịnh. Với Phật Hoàng, tâm là nguồn báu truyền đời, giữ được tâm ấy thì giữ được hạnh phúc và an lạc quốc gia. Ngài chính là linh hồn của Thiền phái, vĩnh viễn bất sinh bất diệt trong lòng hậu thế. Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đó là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn của Đảng, Bác Hồ và toàn dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Trong Nghị quyết qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn khẳng định mục tiêu xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”, “Phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Đó chính là sự tiếp nối, kế thừa tinh hoa văn hóa của dân tộc ta, trong đó có tinh hoa tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một nhân cách, một tấm gương đạo đức sáng ngời cho các thế hệ sau này noi theo. Ngài là biểu tượng của tinh thần không ngừng học hỏi, tu tập cho đến khi thấu tỏ giáo lý Phật Đà, góp phần tạo sức sống mạnh mẽ, quan niệm sống tích cực, một niềm tin vào tiền đồ tươi sáng của đất nước; giúp con người đạt được chân lý ngay trong thực tại chứ không phải ở một thế giới nào khác. Ngài đã để lại cho hậu thế một gia tài vô giá về đạo nghĩa, về tư tưởng Phật học; trong đó, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm đã góp phần quan trọng trong xây dựng con người mới có nhân cách, đạo đức, có lý tưởng, luôn có ý thức làm tròn trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân.

N.Đ.Q                                                                                                    

Chú thích:

1,3,6,7. Trần Nhân Tông, Cư Trần Lạc Đạo phú; Thơ văn Lý Trần, T.2, Nxb KHXH, 1989;

  1. Thích Trí Quang dịch, Luật Sa Di và Sa Di Ni, Quy Sơn Cảnh Sách, 1996;

4, 5. Thơ văn Lý Trần, Nxb KHXH, 1977;

  1. Tư tưởng thiền của Phật Hoàng Trần Nhân Tông,

http://www.thuongchieu.net/index.php/thike/2-uncategorised/2077-tutuongphathoang

  1. Giới là Giới luật, được hiểu là những quy tắc đạo đức, phù hợp với sự thật. Định là Thiền định, là sự tập trung, sự nhất tâm, định tâm, phương pháp tu tập tâm để loại trừ các phiền não. Tuệ là Trí tuệ hay Tuệ giá.