Vãn cảnh chùa Tiêu, Bắc Ninh


 
Ngôi chùa trên ngọn Tiêu Sơn chẳng khác Vọng sơn đài, có thể bao quát những cánh đồng, làng mạc trù phú của miền quê Quan họ.

Lầu Quan Âm trước cổng chùa
Chùa Tiêu thuộc trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa của nước ta, nên được các triều đại chú ý tu bổ: chùa có kiến trúc quy mô với hệ thống Tam bảo, viện Cảm Tuyền, nhà Tổ, các bảo tháp.
 
 
 
 
Những công trình còn lại đến ngày nay phần lớn là sản phẩm thời Lê - Nguyễn.
 
Nơi đây, Thiền sư Vạn Hạnh đã thực hiện cuộc đời hành trì và những hoạt động chính trị đối với vận mệnh quốc gia.
 
Theo thông tin được ghi lại tại chùa Tiêu, Thiền sư Vạn Hạnh sinh ra trong một đại thế tộc ở làng Đình Bảng (cách chùa Tiêu 3km), nhiều đời làm quan và thờ Phật đồng thời kế thừa được truyền thống của một vùng văn hiến, từ nhỏ đã thông minh khác thường: đọc kỹ Bách gia chư tử, thông hiểu tam giáo (Phật-Lão-Nho). Xuất gia năm 21 tuổi, là thiền sư xuất sắc của dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi và lập thành thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam phương. 
 
Thiền sư Vạn Hạnh am tường sâu sắc bộ Kinh Tổng tri Tam ma địa (còn gọi là Bảo Vương Tam Muội). Đương thời, sư nói ra điều gì thiên hạ coi là sấm truyền, vua Lê Đại Hành (980-1005) vô cùng tôn kính sư.

Với tài năng siêu việt và vai trò quan trọng của mình (cố vấn của hai triều đại Tiền Lê và Lý) mà Thiền sư Vạn Hạnh được tôn vinh là Quốc sư vào năm 1010. Ngài mất ngày 15 tháng 05 năm Thuận Thư thứ 9 (1018).
 
Đặc biệt, chùa Tiêu không có hòm công đức. Theo chia sẻ của Sư trụ trì, mỗi lần sửa chữa hay xây dựng nhà chùa báo cáo với địa phương kế hoạch, lễ phát tâm gọn gàng đơn giản. Và chỉ nhận tiền đủ làm, sau đó kính cáo hết thời hạn công đức.
 
Tháp Viên Tuệ thờ nhục thân thiền sư Như Trí
Tương truyền, vùng Tương Giang, Bắc Ninh, hơn nửa thế kỷ trước, một trong số các ngôi tháp trong vườn tháp chùa Tiêu Sơn có tượng bó cốt của một vị Thiền sư, đó là Thiền sư Thích Như Trí.
 
Ngài sống vào khoảng cuối thế kỷ 17 qua đầu thế kỷ 18, từng trụ tại chùa Tiêu, có thể là đệ tử nối pháp của thiền sư Chân Nguyên trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử. Thiền sư Như Trí là người đã có công khắc in Thiền Uyển Anh tập vào năm 1715 tại chùa Tiêu Sơn.
 
 
 
Ngày nay, du khách về vãn cảnh chùa Tiêu không những được hiểu sâu hơn về thiền sư Vạn Hạnh mà còn biết thêm Thiền sư Thích Như Trí cùng các tác phẩm sử học và văn học có giá trị ghi chép về các vị anh tú trong vườn thiền thời Lý.

Nhật Nguyệt