Ý nghĩa Thành đạo: Đối Tượng và Con Đường đưa đến Giác Ngộ




Chủ đề:

Ý nghĩa Thành đạo: Đối Tượng và Con Đường Đưa Đến Giác Ngộ

Mở lời.

Thời gian cách đây hơn 25 thế kỷ, kể từ thời điểm trọng đại đánh dấu một chiến công lẫy lừng của nội tâm trong lịch sử nhân loại, một con người bình thường bằng đấu tranh nội tại đã tự mình vượt thoát khỏi mọi sự trói buộc của khổ đau sanh tử luân hồi trong nhiều kiếp. Sự thức tỉnh đó làm chấn động cả khu vực xứ Ấn Độ bấy giờ.

Con người ấy trở thành bậc giác ngộ và đạo sư của nhân loại, và được mọi người tôn xưng là Đức Phật. Và như thế, hằng năm đến ngày mùng 08 tháng chạp, mọi người con Phật trên khắp năm châu đều nô nức đón chào một sự kiện lịch sử: Đức Phật Thích Ca Thành Đạo. Hòa với niềm vui chung của muôn loài, hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về ý nghĩa Thành Đạo của Đức Bổn Sư.

Cuộc tìm kiếm chân lý trên đường tu khổ hạnh kéo dài 6 năm, kết quả chẳng có gì ngoài những cảm giác đau đớn, kiệt sức... Ngài một lần nữa chối bỏ phái tu khổ hạnh và "Tự mình thắp đuốc lên mà đi". Và sau đó, Ngài đã trải qua 49 ngày đêm tư duy thiền định dưới cây Tất-bát-la, vào một đêm sau khi sao Mai vừa xuất hiện, trí tuệ siêu việt bừng sáng nội tâm. Như vậy, Sa-môn Gotama chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nội dung

1. Đối Tượng Thành Đạo: Con người là tối thượng.

Đức Thế Tôn là bậc Đại giác ngộ khai sáng đạo Phật. Ngài là một người như bao nhiêu người nhưng tự giác ngộ chân lý, rồi đem sự giác ngộ ấy dạy lại cho con người. Chúng ta đừng lầm lạc, khi gắn lên đạo Phật bằng những nhãn hiệu mà chính Ngài không thừa nhận. Do đó, chúng ta không nên xem Ngài như là một vị giáo chủ của một tôn giáo thông qua sự tôn thờ bằng lòng sùng kính cuồng nhiệt của một tín đồ mê tín.

Đức Phật đã tuyên bố: “Ta không phải là thượng đế, thiên sứ hay thần linh ở một thế giới xa xăm, huyền ảo nào xuất hiện giữa cuộc đời, mà những gì Ta thực hiện được, đạt đến được và hoàn thành được, đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ con người. Con người và chỉ có con người mới có thể thành Phật”.

Cho nên, cái ý tưởng cho rằng Ngài là một nhân vật thần linh vạn năng, có thể ban phúc trừ họa là một ý tưởng sai lạc. Chúng ta tôn kính Đức Phật vì bản thân Ngài là một thực thể đúc kết bằng những yếu tố nhân bản và trí tuệ, giáo lý của Ngài là sự đúc kết thành chất liệu con người. Cũng bởi vì vậy, cho nên trong suốt hơn hai ngàn năm trăm năm qua, đạo Phật là một nguồn sống tràn đầy tính chất nhân bản, nhân văn và giá trị của hoà bình. Chính Ngài là người khai mở nguồn sống ấy, khai mở chứ không phải là hóa hiện hay tạo dựng.

Đức Phật dạy: “ Nếu ai hiểu một cách chân chính thì hãy hiểu rằng, Phật là một vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc nhân loại, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Trung Bộ I, Kinh số 4,). Cho nên, đạo Phật cho rằng vị trí con người là tối thượng. Con người là chủ nhân của chính mình, và không có một thực thể hay quyền năng nào trên cao để định đoạt số phận của nó. “Con người là nơi nương tựa của chính mình, không có ai khác có thể làm nơi nương tựa!”.

Từ khi Ngài đã bỏ hai đạo sĩ danh tiếng đương thời và năm người bạn đồng tu, để "Tự mình thắp đuốc lên mà đi", là bài pháp thân giáo sinh động, thể hiện sự tự tu, tự ngộ của bậc Đạo Sư của chúng ta đang tiến bước trên lộ trình giác ngộ giải thoát. Đức Phật dạy: “Đừng giao phó thân mạng, tư tưởng, lý tưởng, mục đích sống cho bất cứ ai, chủ thuyết nào, ý thức hệ nào dù chúng đã trở thành truyền thống, tập tục; vì chỉ có mình là chủ nhân tác nghiệp, tạo nên khổ đau hay hạnh phúc”.

Ngài dạy tiếp: "Chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình". Do đó, Ngài khuyên chúng ta hãy là “một nơi nương tựa cho chính mình” và đừng bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác. Và Ngài dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, chính là tự mình phải khơi dậy ngọn đèn tuệ giác, khơi dậy hạt giống Bồ đề đang tiềm ẩn bên trong mỗi người. Vì rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.

Khái niệm này được Kinh Pháp Hoa diễn tả thông qua hình ảnh một kẻ nghèo khó, vốn có châu báu trong vạt áo nhưng không hay không biết mà phải bôn ba khắp nơi để kiếm sống; đến khi có vị thiện trí thức chỉ ra mới hay biết, nhờ đó mà thoát khỏi cảnh khốn khổ. Chúng ta cũng vậy, vì không biết trong mỗi người đều có Phật tánh, cho nên trải qua không biết bao nhiêu số kiếp, nhưng vẫn lặn hụp trong biển khổ sinh tử mênh mông. Đức Phật là bậc Đạo Sư, Ngài chỉ ra, khai mở và chỉ bày phương pháp đưa đến giác ngộ bồ đề, còn chúng ta phải hoàn thành và phát huy tiềm năng giác ngộ đó.

Do đó, tiến trình từ phàm phu đến quả vị Phật, là tiến trình đấu tranh với nội tâm của tự thân, phá trừ tận gốc thành lũy vô minh, tham ái. Ngài tuyên bố: "Biển có thể cạn, núi có thể sụp đổ, quả đất có thể băng hoại, nhưng khổ đau không bao giờ chấm dứt đối với con người vô minh và ái dục" (Tương Ưng III). Đức Phật đã đoạn tận vô minh, tham ái nên Ngài được trời người tôn xưng là Bậc Đạo Sư, là người đã vượt lên trên tất cả muôn loài. Vì vậy, Ngài khẳng định: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”.
 

 

2. Con đường giác ngộ: bằng Bát Chánh Đạo và Giới-Định-Tuệ.

Với kinh nghiệm tự thân. Đức Thế Tôn đã vạch rõ tư tưởng sai lầm của hai phái. 1. Thái quá: là đắm nhiễm dục lạc; 2. Bất cập: là khổ hạnh ép xác. Thái quá sẽ bị vật chất hóa, thiên nhiên hóa, khoái lạc chủ nghĩa. Bất cập tự chán ghét đời sống tạm bợ, thân thể đầy nhơ nhớp, nên dùng phương tiện ép xác, nhịn đói, khổ hạnh để mau bỏ xác thân này và cầu thân hạnh phúc tốt đẹp đời sau.

Theo tinh thần của khế kinh, hai chủ trương này không có lợi ích gì và đó chỉ là tâm niệm bất chánh, kết quả chỉ là khổ đau. Từ bỏ hai cực đoan này. Đức Thế Tôn dạy phải thực hành Bát Chánh Đạo.

Bát chánh đạo là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi Khổ đau. Ðây là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc, đạt được quả vị Alahan. Đức Phật day: “Nếu tâm của hành giả thực hành các pháp môn ngoại đạo, ở bên ngoài sự vận dụng tám chi phần Bát Thánh đạo này, thì quyết định hành giả không thể chứng đắc các quả vị của Sa-môn, và đi vào giải thoát toàn vẹn” (Tiểu Kinh Sư Tử Hống-Trung Bộ Kinh I). Như vậy, Bát chánh đạo gồm:

Chánh kiến: Cái thấy cái nhìn đúng với chân lý đúng với sự thật, một người có chánh kiến là người đã thâm nhập được Phật đạo đã hòa nhập vào bể tánh giác ngộ giải thoát toàn triệt, để trí tuệ phủ khắp tam giới, trí tuệ vượt thoát khỏi không gian và thời gian, trí tuệ hiển lộ, cái thấy biết không vướng mắc trong trần gian này, không vướng kẹt trong bất kỳ lý luận nào, không vướng vào tri thức hiểu biết, vượt qua ngã và pháp vượt qua không gian và thời gian, cái phút giây mà thấy biết vượt qua ngã và pháp phút giây thấy biết vượt qua không gian và thời gian như thế được gọi là chính kiến. Người có đủ chánh kiến thì tất nhiên sẽ đủ luôn các chánh còn lại.

Chánh tư: Suy nghĩ chân chính, những suy tư không vướng mắc trong tam giới, những suy nghĩ tìm phương tiện để cứu giúp chúng sanh trong tam giới ra khỏi sanh tử luân hồi.

Chánh ngữ: Khả năng kiềm chế không nói dối, nói hai lưỡi, nói đâm thọc, nói vô ích. Theo Phật giáo đại thừa: Không nói sai sự thật, không bịa đặt, không nói xấu người khác, không nói lời hung ác. Là những lời nói thể hiện chân lý ngay tại đây và bây giờ, những lời nói để cho người nghe thấu hiểu được chân lý mà thoát ly sanh tử luân hồi.

Chánh nghiệp: Lời nói hành động tương đồng với chánh kiến, khi một người có chánh kiến rồi thì suy nghĩ hành động đều là chánh, hành động ngôn ngữ đều thể hiện đạo lý để người khác được nhận đạo lý và khai mở đạo lý của chính mình. Những hành động được xuất phát từ nơi thân, nơi lời nói của mình thể hiện trọn vẹn cái đạo lý giác ngộ giải thoát và khai mở trí tuệ cho mọi người để nhận ra được chân lý nhiệm màu đó gọi là chánh nghiệp.

Chánh mạng: Vị Thánh đệ tử Phật đoạn trừ tà mạng, nuôi sống chánh mạng.

Chánh tinh tấn: Với mục đích khiến cho cái ác, cái bất thiện từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho cái ác, cái bất thiện đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho cái thiện từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho cái thiện đã sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn. (Trung Bộ Kinh II).

Chánh niệm: là chánh niệm trong tứ niệm xứ: Thường trực sống trong trí quán sát danh sắc, nhận thức tam tướng Vô thường, Khổ, Vô ngã.

Chánh định: Là luyện tập tư tưởng để đạt được các cấp độ trong tứ thiền định.

Như vậy, Bát chánh đạo không nên hiểu là những “con đường” riêng biệt. Mà nó thông theo ba môn học: là Giới-Định-Tuệ. Hành giả phải thực hành Giới theo các chánh đạo (từ thứ 3 tới thứ 5); kế tiếp là Định các chánh đạo (từ thứ 6 đến thứ 8) và cuối cùng là Tuệ các chánh đạo (1 và 2). Trong đó Chánh kiến là điều kiện tiên quyết để đi vào Thánh đạo và đạt tới Giác Ngộ bồ đề. Và như vậy, Ngài đã tìm được Chánh đạo thật sự trên con đường này. Đây là con đường Trung đạo đưa đến sự giác ngộ tối thượng.

Như vậy, con đường tu tập Trung đạo mà Ngài tìm thấy, đó là kết quả của tự giác ngộ thông qua quá trình thực hành Giới, Định, Tuệ.

Kết luận

Nói tóm lại, sự kiện Thành đạo của Đức Thế Tôn là điểm quan trọng trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học.

Thời gian trôi đi gần ba thiên niên kỷ, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào đó, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.


Thích Minh Thiện